Chính phủ hành động

Chính sách cho vay để trả lương cho người lao động thiếu hấp dẫn do điều kiện hưởng chưa hợp lý

Trong thời gian giãn cách, nhiều doanh nghiệp phải thực hiện chế độ nghỉ luân phiên nên không đủ điều kiện về thời gian ngừng việc của người lao động để được vay vốn.

Anh Nguyễn Minh Tuân, nhân viên khách sạn Hải Yến (Cẩm Phả, Quảng Ninh) được nhận 3 tháng lương do đơn vị chi trả từ gói cho vay trả lương ngừng việc. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

TTXVN - Từ 7/2020 - 7/2022, Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện 15 chính sách trong lĩnh vực lao động, việc làm và bảo hiểm xã hội để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trong số này, có 6 chính sách hỗ trợ tiền mặt cho người lao động gồm: Hỗ trợ người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị ngừng việc; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.

Hai chính sách hỗ trợ tài chính cho người sử dụng lao động là cho vay để trả lương cho người lao động và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Các chính sách hỗ trợ liên quan đến các khoản đóng góp bắt buộc của người sử dụng lao động và người lao động gồm: Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; miễn đóng đoàn phí Công đoàn; giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Cùng với đó, còn có hai chính sách hỗ trợ khác là hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại địa bàn thực hiện giãn cách toàn tỉnh, thành phố và hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện "1 cung đường 2 điểm đến" của doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách.

Theo Báo cáo đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện với sự hỗ trợ của Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa - USAID/LinkSME), nhóm chính sách hỗ trợ về lao động, việc làm và bảo hiểm xã hội chiếm khoảng 8,7% tổng số tiền hỗ trợ của bốn nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Số tiền hỗ trợ đã thực hiện từ các chính sách này tập trung phần lớn trong năm 2021, ước tính tương đương với trung bình 0,5% GDP năm 2021 của Việt Nam.

Trong số 13 chính sách hỗ trợ về lao động, việc làm và bảo hiểm được khảo sát, ba chính sách có tỷ lệ doanh nghiệp trả lời "Có được hưởng lợi" hoặc "Đã nộp hồ sơ" cao nhất đều là những chính sách có đối tượng áp dụng rộng. Cụ thể, chính sách hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đạt tỷ lệ tiếp cận là 54,6% doanh nghiệp khảo sát. Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đạt tỷ lệ tiếp cận là 37,5% doanh nghiệp khảo sát. Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc có tỷ lệ tiếp cận là 35,8% doanh nghiệp khảo sát.

Ở phía ngược lại, ba chính sách có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận thấp, dưới 20% tổng số doanh nghiệp khảo sát là: Cho vay để trả lương cho người lao động (từ tháng 4/2020 - 3/2022); hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện "1 cung đường 2 điểm đến" của doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách ( năm 2021); hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại địa bàn thực hiện giãn cách toàn tỉnh, thành phố.

Đáng chú ý, chính sách cho vay để trả lương cho người lao động đứng cuối bảng với 17,7% doanh nghiệp tiếp cận. Lý giải cho điều này, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội cho rằng, chính sách cho vay để trả lương cho người lao động không phù hợp với nhu cầu thực sự của doanh nghiệp. Theo nhiều chuyên gia, một phần nguyên nhân khiến cho chính sách có tỷ lệ giải ngân thấp, số lượng doanh nghiệp tiếp cận thấp bởi doanh nghiệp cho rằng đây là việc vay tiền để trả lương cho người lao động, không phải là chính sách hỗ trợ tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Chia sẻ của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy, với những lao động thực sự có năng lực mà doanh nghiệp muốn giữ lại, doanh nghiệp hoàn toàn có thể cân đối nguồn vốn và trả lương cho họ. Theo đó, việc xác định nhu cầu thực sự của doanh nghiệp cần đặt trong bối cảnh thị trường lao động thực tế liên quan tới các yếu tố như cạnh tranh hay chất lượng nguồn lao động.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến chính sách cho vay này không hấp dẫn, đó là điều kiện hưởng chính sách chưa hợp lý. Quy định doanh nghiệp “có người lao động phải ngừng việc 1 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020” (khoản 3 Điều 1 Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg) là không hợp lý với tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Trong thời gian giãn cách, để bảo đảm thu nhập cho người lao động, nhiều doanh nghiệp phải thực hiện chế độ nghỉ luân phiên theo tuần, theo ngày đối với từng bộ phận công nhân. Do đó, khi đối chiếu quy định, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện về thời gian ngừng việc của người lao động để được vay vốn, dù thực tế người lao động có thể nghỉ nhiều hơn một tháng, nhưng không liên tục.

Trường hợp của các doanh nghiệp thuộc Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), mặc dù người lao động không làm việc vì giãn cách xã hội, nhưng để giữ chân người lao động, doanh nghiệp vẫn duy trì quan hệ lao động và trả lương cơ bản cho họ. Vì vậy, doanh nghiệp không đủ điều kiện để được vay theo các quy định trên.

Từ phía cơ quan thực thi chính sách, Bảo hiểm Xã hội Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cho biết, các chính sách hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng là những chính sách dễ thực hiện nhất, có thể được triển khai một cách nhanh chóng, chủ động bởi sự sẵn có của hệ thống quản lý dữ liệu về bảo hiểm xã hội./.

Chu Thanh Vân

Xem thêm