Phó Thủ tướng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách pháp luật về phòng, chống thiên tai; có sự tham mưu, điều chỉnh các chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của thiên tai.
TTXVN - Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Từ thực tế trên, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cơ quan phòng, chống thiên tai đã và đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhằm ứng phó kịp thời với các loại hình thiên tai theo hướng ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa; đồng thời lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
*Thiên tai diễn biến phức tạp
Từ đầu năm 2023 đến ngày 15/8, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 19/22 loại hình thiên tai như: Bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, sạt lở đất, dông, lốc, sét... gây nhiều thiệt hại tại các địa phương, làm 86 người chết và mất tích, hơn 60 người bị thương, hơn 10 nghìn nhà ở bị đổ sập hoặc trong trạng thái mất an toàn. Thiệt hại kinh tế lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt từ tháng 7 - 8/2023, mưa lớn kèm dông lốc đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại nhiều địa phương.
Nhận định về nguyên nhân thiên tai diễn biến phức tạp, cực đoan, đặc biệt là mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất ở nhiều khu vực, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết -Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, mưa lớn xuất hiện nhiều ngày tại các địa phương làm đất đá bị ngậm nước bão hòa, liên kết yếu, khiến các khối địa chất bị trượt lở. Cùng với đó, mưa lớn kéo dài làm tăng lượng nước thấm vào khối đất, tăng mực nước ngầm trong khu vực bị sạt lở. Khu vực phát sinh sụt, nứt đất bất thường là nền đất mềm, yếu.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho Nguyễn Văn Tiến đánh giá, nguyên nhân chủ quan dẫn đến thiệt hại nặng về người và tài sản là do nhận thức, mức độ quan tâm của chính quyền, người dân một số nơi còn hạn chế, chưa tập trung đề ra giải pháp cụ thể cũng như đầu tư thích đáng cho công tác phòng, chống thiên tai.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng nói chung cũng như cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai nói riêng còn hạn chế về khả năng chống chịu. Việc xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương chưa cập nhật đầy đủ, toàn diện. Việc thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai còn thiếu… Hệ thống tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương hầu hết là kiêm nhiệm, thiếu trang thiết bị chuyên dùng, việc ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong công tác phòng, chống thiên tai còn rất khó khăn, đặc biệt đối với lũ quét, sạt lở đất…
*Thay đổi tư duy trong ứng phó với thiên tai
"Để làm tốt hơn công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới, cần tiếp tục thay đổi tư duy của các bộ, ngành, địa phương, thực hiện phương châm chuyển từ "ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa" trong phòng, chống thiên tai". Đây là nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trần Lưu Quang khi làm việc với các cơ quan phòng, chống thiên tai.
Để có những bước đi chủ động, Phó Thủ tướng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách pháp luật về phòng, chống thiên tai; có sự tham mưu, điều chỉnh các chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của thiên tai; đầu tư nguồn lực cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai bảo đảm yêu cầu chính xác, kịp thời. Cùng với đó, đẩy mạnh thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống thiên tai; quan tâm đến việc lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Trong 6 năm qua, Tổng cục Phòng, chống thiên tai nay là Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chủ động rà soát, xây dựng, gửi Bộ trưởng để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hai quyết định; phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050, Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; trình Bộ trưởng ban hành các thông tư theo thẩm quyền.
Nhiều hoạt động sáng tạo trong việc triển khai nhiệm vụ chính trị của cơ quan phòng, chống thiên tai được đơn vị cùng Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai triển khai phù hợp với tình hình thiên tai ngày càng gia tăng và phức tạp.
Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai đã phát động, tổ chức thực hiện hiệu quả hai phong trào thi đua trong phạm vi toàn quốc như Phong trào “Xây dựng đê kiểu mẫu”; Phong trào thi đua “Chủ động phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn”. Các phong trào thi đua đặc biệt này đã huy động được toàn xã hội hưởng ứng, cùng chung tay, chung sức phòng, chống thiên tai.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, việc nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai, dự báo sớm diễn biến thiên tai cần được các cơ quan, trong đó có Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, chú trọng hơn nữa.
Để làm được điều này, cần ưu tiên bố trí kinh phí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn dự phòng ngân sách hàng năm để thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia; huy động các nguồn lực thực hiện việc bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai, vùng nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt, công trình công cộng kết hợp làm nơi tránh trú bão, lũ,... Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hợp tác quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ: ứng dụng công nghệ trong khai thác thông tin theo dõi, giám sát thiên tai, đặc biệt là chuyển đổi số trong phòng, chống thiên tai./.