Sức khỏe

Chuyển đổi số trong hoạt động của bệnh viện là yêu cầu cấp thiết

TP. Hồ Chí Minh

Bệnh viện Nhân dân 115 xác định việc triển khai thực hiện Đề án Y tế thông minh là một trong những trọng tâm của cải cách chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.

(TTXVN) Áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của bệnh viện không chỉ là xu thế mà còn là yêu cầu cấp thiết đáp ứng việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đó là vấn đề được đưa ra tại buổi giám sát tình hình triển khai thực hiện Đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030” tại Bệnh viện Nhân dân 115, do Ban Văn hóa - xã hội, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng 27/10.

Theo Tiến sỹ, bác sỹ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, từ thực tiễn tại Bệnh viện, nhất là sau khi trải qua giai đoạn cả Thành phố căng mình chiến đấu với đợt bùng phát thứ 4 của dịch COVID-19 vừa qua cho thấy, việc đầu tư cho y tế thông minh là rất cấp thiết trong tình hình hiện nay, đặc biệt nhằm đáp ứng những đòi hỏi cấp bách trong công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, đối phó với những đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm như COVID-19.

Bệnh viện Nhân dân 115 xác định việc triển khai thực hiện Đề án Y tế thông minh là một trong những trọng tâm của cải cách chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh thông qua việc tăng cường và nâng cao năng lực của hệ thống công nghệ thông tin bệnh viện; góp phần thiết thực nâng cao hơn nữa chất lượng, độ chính xác, tính kịp thời cho công tác quản lý tại bệnh viện và cho lĩnh vực điều trị y tế.

Bác sỹ chuyên khoa 2 Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, Bệnh viện đã chính thức triển khai hóa đơn điện tử từ ngày 1/7/2022 và đến nay đạt 100%; triển khai thanh toán điện tử bằng sử dụng mã QR, POS, chuyển khoản trực tuyến đạt 16,5% (tính đến tháng 8/2022); quản lý thông tin, chứng từ thanh toán qua hệ thống phần mềm của bệnh viện.

Bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh; sử dụng phần mềm quản lý chất lượng, an toàn người bệnh; quản lý giường bệnh, áp dụng công nghệ trong quản lý dược, quản lý kê đơn, quản lý nhân sự, người chăm nuôi bệnh nhân; quản lý máy thở…

Người dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh được chụp X-quang phổi bằng máy tích hợp trí tuệ nhân tạo. (Ảnh: TTXVN phát)

Là một trong những bệnh viện tiên phong về ứng dụng chuyên sâu các kỹ thuật y tế, Bệnh viện Nhân dân 115 đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác khám, chữa bệnh như: sử dụng hiệu quả ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân đột quỵ bằng phần mềm RAPID của Đại học Standford (Hoa Kỳ)…

Kết quả triển khai Đề án y tế thông minh tại bệnh viện đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; thúc đẩy sự phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên môn của bệnh viện; góp phần nâng cao chất lượng quản trị bệnh viện.

Các thành viên đoàn giám sát chia sẻ với những khó khăn của Bệnh viện Nhân dân 115 khi triển khai Đề án y tế thông minh, trong đó có sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin trình độ cao; đồng thời nhất trí cho rằng, Sở Y tế và các bệnh viện trên địa bàn Thành phố cần quan tâm, có giải pháp triển khai đồng bộ, thống nhất hạ tầng, thiết bị, các phần mềm, chương trình áp dụng công nghệ thông tin trong các bệnh viện.

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt (thành viên Đoàn giám sát), trong bối cảnh các tiến bộ khoa học công nghệ đang tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội đòi hỏi lãnh đạo các bệnh viện, ngành Y tế cần hiểu rõ, thay đổi nhận thức về khái niệm “y tế thông minh” đảm bảo phù hợp với thực tế; hướng tới sự hoàn thiện, thay thế các hoạt động thủ công bằng ứng dụng công nghệ thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm chi phí, tối ưu hóa các khoản chi phí, nâng cao năng suất lao động giúp bệnh nhân được phục vụ tốt hơn.

Ghi nhận, biểu dương kết quả tích cực của quá trình triển khai Đề án “ Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030”, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND Thành phố cho rằng, Bệnh viện Nhân dân 115 cần quan tâm hơn đến vấn đề an ninh mạng, bảo mật dữ liệu thông tin; xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung nội bộ và liên thông giữa các bệnh viện; xây dựng kế hoạch áp dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động của bệnh viện…

Đoàn giám sát đề nghị đại diện các sở, ngành ghi nhận, quan tâm, tìm giải pháp giải quyết các đề xuất của bệnh viện, các ý kiến đón góp của các chuyên gia nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác triển khai Đề án trên địa bàn Thành phố.

Sau hơn 30 năm hình thành, phát triển, đến nay, Bệnh viện Nhân dân 115 là bệnh viện đa khoa hạng 1 của Thành phố; có quy mô 1.600 giường bệnh với 2.000 cán bộ, nhân viên. Năm 2021, Bệnh viện Nhân dân 115 vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới./.

Xuân Khu

Xem thêm