Một cơ quan kiểm toán có thể đóng vai trò chủ chốt như một cơ quan phòng, chống tham nhũng. Nhưng tùy thuộc nhiệm vụ cụ thể, cơ quan kiểm toán cũng là một cơ quan chuyên trách trên cơ sở hợp tác trong nước và quốc tế để thực hiện các chức năng của mình một cách hiệu quả.
Chia sẻ thông tin tại Hội thảo quốc tế “Vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao trong phòng chống tham nhũng, tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt” do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tổ chức ngày 9/7, đại diện các Cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế khẳng định, Cơ quan kiểm toán đóng vai trò chủ chốt như một cơ quan phòng, chống tham nhũng.
* Liêm chính, minh bạch và trách nhiệm
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng Đại diện của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương Benedikt Hofmann cho hay, theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), tham nhũng bao gồm nhiều hình thái như hối lộ, tham ô, biển thủ hoặc các hành vi chiếm đoạt tài sản khác của công chức hoặc tham ô tài sản trong khu vực tư nhân; trao đổi tầm ảnh hưởng; lạm dụng chức vụ; làm giàu bất hợp pháp; rửa tiền có được từ tội phạm; cản trở thi hành công vụ.
Trên thực tế, với sự tiến bộ của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, tham nhũng đang ngày càng gia tăng giống như các loại tội phạm khác. Tham nhũng có ở mọi cấp độ, từ "tham nhũng vặt" đến tham nhũng lớn, đặc biệt là tham nhũng nghiêm trọng và có hệ thống, tạo điều kiện cho các hoạt động tội phạm.
Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng có cách tiếp cận toàn diện độc đáo, áp dụng các biện pháp phòng ngừa và thực thi, bao gồm các yêu cầu bắt buộc về việc hình sự hóa các hành vi tham nhũng. Công ước cũng phản ánh đặc tính xuyên quốc gia của tham nhũng, cung cấp cơ sở pháp lý quốc tế cho phép hợp tác quốc tế và thu hồi tiền tham nhũng - tài sản bị đánh cắp.
Theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, tính liêm chính, trách nhiệm giải trình và minh bạch trong quản lý tài chính công và tài sản công là điều cốt yếu và là nền tảng cho sự tin tưởng của người dân. UNCAC có các quy định về yêu cầu kiểm toán như một yếu tố chính trong phòng ngừa tham nhũng, cả trong khu vực công và khu vực tư. Các điều khoản khác của Công ước cũng nêu rõ rằng, việc kiểm toán viên thực hiện đầy đủ vai trò của mình là rất quan trọng.
Ông Benedikt Hofmann nhấn mạnh, một cơ quan kiểm toán có thể đóng vai trò chủ chốt như một cơ quan phòng, chống tham nhũng. Nhưng tùy thuộc nhiệm vụ cụ thể, cơ quan kiểm toán cũng là một cơ quan chuyên trách trên cơ sở hợp tác trong nước và quốc tế để thực hiện các chức năng của mình một cách hiệu quả.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Indonesia Hendra Susanto cho biết, Cơ quan Kiểm toán Tối cao, còn gọi là Ủy ban Kiểm toán Indonesia (BPK) có vai trò then chốt trong việc chống tham nhũng và thúc đẩy tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt.
Ủy ban Kiểm toán Indonesia đặt mục tiêu tăng cường năng lực chống tham nhũng một cách hiệu quả và nỗ lực tăng cường khả năng truy tìm các giao dịch bất hợp pháp để thu thập bằng chứng kiểm toán và bảo vệ bằng chứng kỹ thuật số cũng như sửa đổi Biên bản ghi nhớ (MOU) với các Cơ quan Chính phủ. Các hoạt động này giúp nâng cao trình độ chuyên môn cho kiểm toán viên; cải thiện hiệu quả kiểm toán; giúp giảm thiểu rủi ro gian lận trong các đơn vị được kiểm toán.
Hơn nữa, thông qua các sáng kiến như cải tiến tổ chức, nâng cao năng lực điều tra kỹ thuật số và phát triển hệ thống phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Kiểm toán Indonesia nỗ lực thúc đẩy văn hóa liêm chính, minh bạch và trách nhiệm giải trình trên tất cả các khía cạnh hoạt động của mình.
“Những biện pháp chủ động này thể hiện cam kết của cơ quan kiểm toán trong việc duy trì niềm tin của công chúng, bảo vệ tính liêm chính của tổ chức và thúc đẩy tiến bộ xã hội thông qua các hoạt động quản trị có trách nhiệm” - Phó Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Indonesia nhấn mạnh.
* Tập trung kiểm toán vào những lĩnh vực nhạy cảm
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Doãn Anh Thơ cho biết, với địa vị pháp lý “là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, góp phần minh bạch và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
Kiểm toán Nhà nước đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và dư luận xã hội quan tâm; các lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đôn đốc thu hồi nhanh chóng, dứt điểm tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát. Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã kiến nghị xử lý tài chính và xử lý khác hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Các kiến nghị về xử lý tài chính luôn được các cơ quan, đơn vị được kiểm toán triển khai theo dõi và thực hiện kịp thời.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời cung cấp nhiều hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tiếp tục xác định rõ và đầy đủ cơ sở pháp lý về vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng; tập trung kiểm toán vào những lĩnh vực nhạy cảm, có hiện tượng tiêu cực được xã hội quan tâm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí như: Quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, hệ thống định mức, đơn giá xây dựng cơ bản, các dự án giao thông, thủy lợi…
Cùng với đó là tăng cường hội nhập quốc tế, nghiên cứu và vận dụng linh hoạt Chuẩn mực kiểm toán, thông lệ tốt của các Cơ quan kiểm toán tối cao phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, đặc biệt là các kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt./.