Công an cơ sở - Cầu nối dịch vụ công vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Công an xã Chư Păh đang triển khai đợt cao điểm 50 ngày, đêm tuyên truyền, hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền hai cấp. Ngoài cấp căn cước công dân, định danh điện tử, các cán bộ công an xã còn hướng dẫn người dân tích hợp bảo hiểm y tế, sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID.
Không cần phải đi xa hay chờ đợi lâu, người dân ở phía Tây tỉnh Gia Lai giờ đây dễ dàng làm thủ tục hành chính ngay tại cơ sở. Có được thuận lợi này là nhờ sự vào cuộc của lực lượng Công an xã, phường, đã đưa dịch vụ công đến gần dân hơn, đặc biệt là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
* Niềm tin của dân bản
Xã Chư Păh, tỉnh Gia Lai là đơn vị hành chính mới được hợp nhất từ thị trấn Phú Hòa, xã Hòa Phú và xã Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh cũ). Sau thời gian vận hành chính quyền hai cấp, công tác giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương đã đi vào nề nếp, phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân. Với 17 thôn, làng, gần 20.000 nhân khẩu, trong đó hơn 40% là đồng bào dân tộc thiểu số, việc rút ngắn quy trình giải quyết thủ tục hành chính là thách thức lớn. Để tháo gỡ khó khăn, ngay sau khi kiện toàn tổ chức, Công an xã Chư Păh đã thành lập các tổ công tác xuống tận thôn, làng tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến căn cước công dân, định danh điện tử, đăng ký tạm trú, tạm vắng.
Thượng tá Nguyễn Văn Thông, Trưởng Công an xã Chư Păh cho biết: Đơn vị xác định phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp”. Với tinh thần phục vụ nhân dân, dù hết giờ hành chính, Công an xã vẫn bố trí cán bộ luân phiên trực hỗ trợ đến khi giải quyết xong trường hợp cuối cùng.
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày, Công an xã Chư Păh tiếp nhận từ 50 đến 60 lượt người dân đến giải quyết các thủ tục liên quan đến căn cước công dân, định danh điện tử mức độ 2 và điều chỉnh các giấy tờ hành chính liên quan. Chỉ trong vòng hai tuần đầu triển khai, đã có khoảng 60 hồ sơ cấp căn cước công dân, hơn 360 trường hợp được kích hoạt định danh, tích hợp giấy tờ và gần 150 trường hợp khởi tạo chữ ký số. Những con số này cho thấy người dân đang tiếp cận các dịch vụ công một cách minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả.
Tại làng Hreng, điểm xa nhất của xã, cách trung tâm hơn 15km, việc tiếp cận các dịch vụ hành chính vẫn còn nhiều khó khăn. Trung tá Huỳnh Ngọc Tâm, cán bộ Công an xã Chư Păh chia sẻ: "Nhiều người dân không có điện thoại thông minh, không biết thao tác, thậm chí không biết chữ. Chúng tôi phải hỗ trợ từng khâu, từ khai báo thông tin đến hướng dẫn cách lưu giữ giấy tờ để người dân thuận tiện sử dụng sau này".
* Tiếng lành đồn xa
Không chỉ phục vụ người dân trong xã, nhiều người dân ở các địa bàn lân cận cũng tìm đến Công an xã Chư Păh để làm thủ tục. Đơn cử như trường hợp của bà Nguyễn Thị Thoa (trú xã Ia Ly), vượt gần 20km để đưa ba người con đến làm căn cước công dân. “Nghe Công an xã Chư Păh làm căn cước công dân nhanh nên tôi đưa các cháu đến. Các cán bộ hướng dẫn tận tình, thủ tục rất nhanh”, bà Thoa chia sẻ.
Anh Rơ Chăm Thái (trú xã Chư Păh) cũng hoàn tất việc định danh điện tử và tích hợp giấy tờ chỉ sau hơn một giờ đồng hồ. Anh Thái cho biết, anh đến trụ sở Công an xã lúc 7 giờ, chỉ đến hơn 8 giờ đã xong mọi quy trình. Không phải chờ đợi lâu, lại được hướng dẫn kỹ càng, làm xong còn kịp thời gian để lên rẫy.
Công an xã Chư Păh đang triển khai đợt cao điểm 50 ngày, đêm tuyên truyền, hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền hai cấp. Ngoài cấp căn cước công dân, định danh điện tử, các cán bộ công an xã còn hướng dẫn người dân tích hợp bảo hiểm y tế, sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID.
Không chỉ tại xã Chư Păh, mô hình chính quyền hai cấp cũng đang phát huy hiệu quả ở nhiều phường, xã khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tại phường An Phú, mỗi ngày, Công an phường tiếp nhận trên 20 lượt người dân đến làm thủ tục về cư trú, tạm trú và tạm vắng. Theo chị Hoàng Thị Phượng (trú phường An Phú), trước đây, mỗi khi làm thủ tục tạm trú phải chờ đợi khá lâu nhưng hiện nay chỉ cần mang giấy tờ đến Công an phường là được xử lý rất nhanh gọn. Các thủ tục chỉ vỏn vẹn chưa đầy 30 phút đã hoàn tất.
Thượng tá Hồ Thanh Sơn, Trưởng Công an phường An Phú, cho biết: Đơn vị đã quán triệt rõ tinh thần phục vụ nhân dân, chủ động giải quyết từng trường hợp cụ thể, không để người dân phải đi lại nhiều lần. Người dân đến càng đông là tín hiệu tích cực, đòi hỏi mỗi cán bộ luôn phải nhiệt tình, sát sao hơn nữa.
Những con số tuy chưa lớn, nhưng điều đáng ghi nhận là tinh thần làm việc không quản ngại khó khăn của lực lượng Công an cơ sở. Mô hình chính quyền hai cấp tại Gia Lai đang giúp người dân thuận lợi tiếp cận dịch vụ hành chính công ngay tại địa cơ sở, tiết kiệm thời gian, công sức. Đây là bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, hướng tới xây dựng chính quyền gần dân, sát dân và vì dân./.
- Từ khóa:
- Công an cơ sở
- dịch vụ công
- dân tộc thiểu số