Để phủ sóng đến những “vùng lõm”, ngoài việc cấp tốc xây dựng trạm phát sóng, các đơn vị viễn thông còn khắc phục bằng việc triển khai nhiều xe phát sóng di động để “nối sóng” cho học sinh học trực tuyến.
(TTXVN) Nhiều khu vực vùng sâu, vùng biên giới của Bình Phước, người dân đã quen với cuộc sống “3 không” - không điện, không nước sạch, không sóng viễn thông. Thế nhưng, với quyết tâm của chính quyền địa phương và các đơn vị, chiến dịch “cõng sóng” lên vùng biên đã và đang được đẩy mạnh, với mong muốn người dân vùng biên giới, vùng sâu sớm được tiếp cận sóng di động, công nghệ thông tin, để “không một ai bị bỏ lại phía sau”.
*“Cõng sóng” lên vùng biên
Việt Nam và Campuchia có đường biên giới dài hơn 1.137 km, trong đó Việt Nam có 10 tỉnh biên giới giáp với 9 tỉnh của Campuchia. Riêng tỉnh Bình Phước có đường biên giới chung với Campuchia dài 260 km (dài nhất so với 10 tỉnh giáp biên Campuchia), nằm trên địa bàn các huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập và huyện Lộc Ninh tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Campuchia gồm Mondulkiri, Kratié và Tabong Khmum.
Bình Phước có 15 xã biên giới, các xã giáp biên phần lớn còn khó khăn, nhiều thôn, ấp đến nay vẫn chưa có điện, nước và sóng viễn thông. Ấp Cần Dực, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) là địa bàn giáp biên với nước bạn Campuchia, khu vực này hiện vẫn chưa có điện và sóng viễn thông.
“Chốt dân quân thường trực đóng tại ấp Cần Dực, xã Lộc Thành được lập nên từ năm 2015, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có điện và sóng viễn thông. Mỗi lần cần liên lạc, anh em phải sử dụng xe gắn máy đi 10 km ra trung tâm xã để báo cáo công tác”, anh Điểu Song, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Lộc Thành cho biết. Để xóa “vùng lõm” sóng viễn thông tại địa bàn biên giới, ngày 14/12/2022 vừa qua Tâp đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) đã triển khai xây dựng “trạm BTS - thu phát sóng di động phủ sóng biên giới” tại khu vực ấp Cần Dực, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh.
“Đây là công trình thứ 31 được Viettel triển khai xây dựng theo cam kết với UBND tỉnh Bình Phước về phủ sóng viễn thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh. Tại những khu vực chưa có hạ tầng điện lưới, Viettel sẽ đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời để đảm bảo cho việc phát sóng ổn định của trạm viễn thông”. Ông Vũ Tuấn Dũng – Giám đốc Viettel Bình Phước cho biết và nhấn mạnh, với tinh thần của người lính, đơn vị luôn ý thức việc đảm bảo phủ sóng tại những vùng còn khó khăn, vùng biên giới để đem đến dịch vụ tốt nhất phục vụ nhân dân.
Với nhiều khu vực biên giới chưa có điện, đại diện Viettel cho biết đơn vị sẽ xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời để cung cấp cho các trạm phát sóng. Tuy nhiên, do địa hình khó khăn, không có hạ tầng điện, nên chi phí xây dựng các trạm phát sóng tại khu vực biên giới rất lớn. Nhưng đơn vị sẽ khắc phục khó khăn, sớm phủ sóng viễn thông trên tuyến biên giới Bình Phước, để người dân được tiếp cận với các dịch vụ viễn thông.
Năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát khiến hàng triệu học sinh phải ở nhà và học trực tuyến. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng đã chỉ đạo thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Đây là chương trình đặc biệt trong một năm học đặc biệt, có ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc, thiết thực với hàng triệu học sinh, sinh viên và các gia đình trên cả nước. Chương trình có kinh phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng, được xây dựng và triển khai “thần tốc” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Để phủ sóng đến những “vùng lõm”, ngoài việc cấp tốc xây dựng trạm phát sóng, các đơn vị viễn thông còn khắc phục bằng việc triển khai nhiều xe phát sóng di động để “nối sóng” cho học sinh học trực tuyến.
Tại lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” ngày 12/9/2021 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Chương trình còn góp phần để chúng ta hướng tới phủ sóng internet ở những vùng còn chưa có sóng và nâng cao chất lượng sóng nhằm mục tiêu phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội và nhất là phát triển xã hội số, chuyển đổi số”.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, cho biết thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, nhiều địa phương, gia đình trên địa bàn tỉnh đã không thể mua sắm phương tiện, trang thiết bị cần thiết cho con em. Thời điểm đó, số học sinh trên địa bàn tỉnh thiếu trang thiết bị học tập trực tuyến khoảng 15.000 em. Đặc biệt, trên địa bàn vẫn còn những “vùng lõm” chưa có sóng internet để học trực tuyến.
* Để không ai bị bỏ lại phía sau
Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Phước cho biết, theo kế hoạch, giai đoạn 2022 – 2025 tỉnh Bình Phước triển khai xây dựng 15 trạm thu phát sóng di động (BTS) trên dọc tuyến biên giới.
“Việc thực hiện các trạm thu, phát sóng thông tin di động trên tuyến biên giới là nhiệm vụ quan trọng, đa mục đích, trong đó phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và nhu cầu tiếp cận, sử dụng sóng di động của người dân, nhất là các hộ ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, những nơi sóng di động chưa tới”, ông Nguyễn Minh Quang cho biết.
Hiện Sở Thông tin và Truyền thông Bình Phước đang phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai các trạm thu phát sóng di động với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Các doanh nghiệp viễn thông trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ, đồng hành với tỉnh để sớm đưa “trạm BTS thu phát sóng di động phủ sóng biên giới” đi vào hoạt động, hoàn thiện việc phủ sóng suốt chiều dài gần 260km đường biên giới Bình Phước, ông Nguyễn Minh Quang chia sẻ.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, diễn ra ngày 18/12/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: “Bộ Thông tin Truyền thông phải tiến hành phủ sóng toàn diện, bao trùm tới mọi miền đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tất cả mọi người dân đều được hưởng dịch vụ viễn thông”.
Thủ tướng giao ngành Thông tin Truyền thông và ngành Điện lực thực hiện nhiệm vụ này, với yêu cầu "điện đi tới đâu, viễn thông đi tới đó, phấn đấu ở đâu cũng có điện và ở đâu cũng có viễn thông, không để ai bị bỏ lại phía sau”./.