Đa dạng mô hình phòng cháy, chữa cháy "thực chiến"tại thủ phủ công nghiệp Bình Dương
Mô hình hay trong công tác phòng cháy, chữa cháy ở Bình Dương là xây dựng "Khu dân cư an toàn về an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy". được Bộ Công an thông báo học tập kinh nghiệm trên toàn quốc.
TTXVN - Tỉnh Bình Dương đã có nhiều mô hình hay, góp phần tăng cường các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy tại địa phương.
* Đa dạng mô hình phòng cháy, chữa cháy
Chị Phạm Thị Hương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chin Li Mỹ Phước cho biết, chị cùng gần 100 trăm người lao động và các thành viên Đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở của Công ty vừa tham gia Hội thi "Chiến sỹ phòng cháy, chữa cháy" do Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ tỉnh Bình Dương phát động và phối hợp tổ chức. Hội thi được tổ chức thành 5 đội thi lý thuyết và thực hành. Đối với phần thi lý thuyết, các thí sinh thi trắc nghiệm 30 câu hỏi nội dung xoay quanh Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy; Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy. Với phần thi thực hành, các đội thi các nội dung vượt rào, dùng chăn chiên dập lửa, dùng bình chữa cháy dập tắt cháy khay xăng, sử dụng lăng vòi 2 chạc chữa cháy, cứu người bị nạn.
Chị Phạm Thị Hương cho biết, sau khi tham gia hội thi, chị đã nâng cao được kỹ năng thao tác sử dụng phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy để có thể áp dụng trong trường hợp cần thiết.
Ông Lo Yu Chun, Giám đốc Phòng Quản lý Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chin Li Mỹ Phước cho biết, công ty đã được trang bị đầy đủ các phương tiện, hệ thống, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, khi có tình huống xấu xảy ra, việc người lao động xử lý kịp thời tại chỗ là rất quan trọng. Đây là lần đầu công ty tổ chức Cuộc thi "Chiến sỹ phòng cháy, chữa cháy" cho người lao động. Ông hy vọng sau này sẽ có thêm nhiều cuộc thi, nhiều mô hình hay do Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ hoặc các cơ quan, ban ngành phát động cho người lao động có cơ hội được tham gia, tiếp cận, nhằm nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng vận hành, thao tác phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy để áp dụng vào các tình huống cháy, nổ xảy ra.
Từ sự quan tâm, hướng dẫn của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Bình Dương, ý thức chấp hành công tác phòng cháy, chữa cháy tại nhiều đơn vị doanh nghiệp đã được nâng cao rõ rệt thông qua các hoạt động tuyên truyền, các hội thi, mô hình hay.
Một mô hình hay trong công tác phòng cháy, chữa cháy ở Bình Dương là xây dựng "Khu dân cư an toàn về an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy". Mô hình này được Bộ Công an thông báo học tập kinh nghiệm trên toàn quốc. Đến nay, 11 mô hình đã được triển khai trên các địa bàn thành phố Dĩ An, Thủ Dầu Một, Thuận An và thị xã Bến Cát. Tiêu biểu trong số này là Khu dân cư Himlam - Phú Đông (thành phố Dĩ An) với diện tích hơn 5ha. Để thực hiện mô hình này, hằng năm, Ban điều hành (hoặc quản lý khu dân cư) có bản đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn "An toàn về an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy", 100% hộ gia đình trên địa bàn ký cam kết giao ước thi đua xây dựng khu dân cư "An toàn về an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy".
Mô hình "Tổ Liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng" với phương châm "4 tại chỗ" được lan rộng trong khắp khu phố ở các địa phương. Đối tượng xây dựng Tổ Liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy là các hộ gia đình liền kề nhau và phải thực hiện tốt các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; có chuẩn bị sẵn các phương án thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy, nổ.
Bên cạnh đó, ở các địa phương trên địa bàn tỉnh có nhiều sáng kiến, mô hình mới để khống chế "giặc lửa". Đáng chú ý trong số này là mô hình "Tổ xe ba gác chữa cháy lưu động" tại phường Uyên Hưng (thành phố Tân Uyên) được ra mắt vào tháng 4/2023. Tổ xe ba gác chữa cháy lưu động có 24 thành viên, được trang bị một xe ba gác cải tiến thành xe chuyên dụng thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy với các thiết bị theo xe gồm: bồn nước, máy bơm, vòi, búa tạ, kiềm công lực, xà beng và 2 bình xịt 20 lít…
* Đồng hành từ chính quyền tới doanh nghiệp
Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Bình Dương cho biết: Việc phát động tổ chức các hội thi chiến sỹ phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở hay mô hình an toàn về phòng cháy, chữa cháy đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các cơ sở, doanh nghiệp, mọi tầng lớp nhân dân, các cơ quan, ban ngành đoàn thể tỉnh Bình Dương. Các cuộc thi góp phần trang bị, bổ sung các kiến thức mới cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, rèn luyện nâng cao về bản lĩnh, tổ chức triển khai chiến thuật chữa cháy tại chỗ, khả năng thao tác sử dụng thuần thục, nhanh chóng các trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được trang bị tại cơ sở.
Từ khi phát động đến nay, địa bàn quản lý của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Bình Dương đã có 20 doanh nghiệp tổ chức Hội thi "Chiến sỹ Phòng cháy, chữa cháy". Sắp tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tổ chức góp phần hưởng ứng Ngày toàn dân Phòng cháy, chữa cháy 4/10.
Trung tá Nguyễn Văn Tùng cho biết thêm, nguyên nhân các vụ cháy xuất phát từ sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm gần 1/3 số vụ cháy trong 6 tháng năm 2023 trên địa bàn cả nước. Công an tỉnh Bình Dương đã có sáng kiến gửi văn bản tới Tổng Công ty Điện lực miền Nam nghiên cứu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện lồng ghép nội dung, khẩu hiệu tuyên truyền biện pháp an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong quá trình sử dụng điện qua tin nhắn, ứng dụng Zalo và các hình thức thông báo khác gửi cho người dân, doanh nghiệp. Thông tin tuyên truyền này sẽ đến khoản 10 triệu tài khoản Zalo ở các tỉnh phía Nam mà Bình Dương là nơi đầu tiên được triển khai.
Bình Dương là địa phương quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Ngay sau khi có Công điện của Chính phủ, Giám đốc Công an tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau: nghiên cứu, vận dụng các nội dung hướng dẫn để xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở, dự án, công trình; khẩn trương làm việc, hướng dẫn cho các chủ đầu tư, chủ cơ sở còn gặp vướng mắc để sớm khắc phục các tồn tại và thực hiện việc thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy bảo đảm theo quy định.
Đồng thời, lực lượng thành lập nhiều tổ công tác đến trực tiếp các cơ sở còn vướng mắc trong thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy; chủ động mời chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế lên làm việc để trao đổi, hướng dẫn phương án tháo gỡ đối với các công trình thiết kế chưa đạt, chưa đảm bảo theo quy định tại các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ đã tổ chức nhiều hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể cho nhiều loại hình ngành nghề được các doanh nghiệp, chủ đầu tư đánh giá cao./
- Từ khóa:
- Mô hình
- phòng cháy
- chữa cháy
- Bình Dương