Giáo dục

Đà Nẵng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng

Đà Nẵng

Giai đoạn 2013-2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn thành phố từng bước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đảm bảo các điều kiện để tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

TTXVN - Để tạo nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế, thành phố Đà Nẵng chú trọng đào tạo nghề, phát triển đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo, cung cấp số lượng lớn nguồn nhân lực có chất lượng cho nền kinh tế.

Thành phố hiện có 61 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 17 trường Cao đẳng, 6 trường Trung cấp, 12 Trung tâm giáo dục ngoại ngữ và 26 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Giai đoạn 2013 - 2022, bình quân hàng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Đà Nẵng tuyển sinh mới hơn 41.000 học sinh, sinh viên. Thành phố triển khai hỗ trợ đào tạo cho hơn 7.000 lao động chính sách xã hội, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, xác định việc xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp là khâu then chốt, hằng năm, Sở đều có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đến nay, địa bàn thành phố có 2.744 cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; trong đó, nhà giáo cơ hữu là 2.194 người (trình độ Tiến sĩ chiếm 2,42%; Thạc sĩ chiếm 32,59%, Đại học chiếm 36,05%).

Giai đoạn 2013-2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn thành phố từng bước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đảm bảo các điều kiện để tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác phân luồng học sinh Trung học Cơ sở trong giáo dục nghề nghiệp có những chuyển biến và đạt được kết quả nhất định. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp với các đơn vị tổ chức “Ngày Hội định hướng giáo dục nghề nghiệp - Tư vấn tuyển sinh - Giới thiệu việc làm” để tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các học sinh lớp 9 và lớp 12. Kết quả số học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở đi học giáo dục nghề nghiệp có chiều hướng tăng (năm 2014 là 0,70%; năm 2022 là 8,74% so với tổng số tuyển mới học giáo dục nghề nghiệp).

Với truyền thống hơn 50 năm đào tạo nghề, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng luôn chú trọng việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Ông Hồ Viết Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đang đầu tư đào tạo chuẩn quốc tế (3 nghề), chuẩn ASEAN (3 nghề) và chuẩn quốc gia (1 nghề). Với các nghề khác, chương trình đào tạo của trường được thiết kế theo tín chỉ, dạy theo năng lực thực hiện, với thời lượng lý thuyết khoảng 25%, thực hành 75%.

Chương trình đào tạo có sự tham gia của các doanh nghiệp; tiếp cận và tham khảo các chương trình quốc tế; một số môn học, mô đun đang ứng dụng E-learning trong giảng dạy. Tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm đạt 93-95% và có xu hướng tăng; trong đó 100% sinh viên học nghề May, Thiết kế thời trang, các nghề Du lịch, Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí, Công nghệ ô tô, hàn, ra trường đều có việc làm.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Lê Thị Bích Thuận đánh giá, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã chủ động tăng cường kết nối với doanh nghiệp như: phối hợp trong xây dựng chương trình, tổ chức đánh giá kết quả đào tạo, ký kết đặt hàng đào tạo nhằm cung ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; phối hợp đưa đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên tham gia thực tập sản xuất tại doanh nghiệp; học sinh, sinh viên được tiếp cận với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng, do đó sẽ có nhiều cơ hội tìm được việc làm hơn.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong thời gian tới, theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Đà Nẵng cần tiếp tục thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động thuộc diện chính sách xã hội; tập trung đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp; phối hợp với các địa phương tiếp tục tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động thuộc diện chính sách, xã hội. Thành phố xây dựng các dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; kêu gọi các dự án đầu tư vào thành phố trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, thành phố cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp.../.

Võ Văn Dũng

Tin liên quan

Xem thêm