Việc lấy ý kiến chuyên gia nhằm đảm bảo hoàn thiện Đề án một cách khoa học, có chất lượng, xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đúng trọng tâm.
TTXVN - Chiều 26/4, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia về Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố”. Tọa đàm có sự tham dự của lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành, trường Đại học, doanh nghiệp và hơn 50 đại biểu là chuyên gia trong lĩnh vực này.
Sự kiện được tổ chức nhằm tiếp cận kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức chuyên môn, lắng nghe ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, đại biểu về các nội dung trong Đề án "Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng", đảm bảo hoàn thiện Đề án một cách khoa học, có chất lượng, xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đúng trọng tâm.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp về dự thảo Đề án "Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố Đà nẵng".
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố khởi động Chương trình đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn và khai giảng khóa bồi dưỡng ngắn hạn cho giảng viên nguồn và sinh viên các chuyên ngành gần. Đồng thời, để tạo lập cơ sở nghiên cứu và đề xuất các giải pháp, chính sách đặc thù phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, Đà Nẵng tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hàng đầu trong lĩnh vực vi mạch quốc tế đến đầu tư, kinh doanh tại địa phương; từng bước hình thành hệ thống ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, nghiên cứu có chất lượng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, phát triển ngành vi mạch bán dẫn có sự tham gia của nhiều cơ quan, ban, ngành nên cần có sự giám sát, đôn đốc của lãnh đạo thành phố để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đã đặt ra. Để thu hút nhà đầu tư, Đà Nẵng phải chủ động có những chính sách, cơ chế riêng về thuế thu nhập cá nhân, ưu đãi thuê đất, pháp lý về đất đai, visa bảo lãnh chuyên gia…; chú trọng đến việc rút gọn thủ tục hành chính, tránh để doanh nghiệp đi qua quá nhiều nơi mới hoàn thiện được thủ tục đầu tư.
Dự thảo Đề án "Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố” bao gồm 3 phần: phần tổng quan bối cảnh xây dựng Đề án; phần nội dung về mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp; phần tổ chức thực hiện. Trong phần tổng quan, dự thảo phân tích bối cảnh quốc tế và xu hướng phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn trên thế giới; trong đó tập trung khái quát thực trạng của ngành, bối cảnh thiếu nguồn cung chip bán dẫn và xu hướng phát triển ngành của các quốc gia...
Phần nội dung Đề án, dự thảo đề xuất mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến năm 2030; đồng thời khuyến nghị 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để đạt được các mục tiêu đề ra, gồm: các giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù; phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn; phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn; phát triển và tiến tới làm chủ công nghệ vi mạch, bán dẫn; sở hữu trí tuệ; thu hút đầu tư; truyền thông; hỗ trợ triển khai.
Dự kiến, Đề án "Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố Đà nẵng" sẽ được UBND thành phố ban hành vào giữa năm 2024, là cơ sở quan trọng để địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng các chính sách hỗ trợ, thu hút đặc thù, thúc đẩy phát triển ngành vi mạch bán dẫn Đà Nẵng; góp phần đưa thành phố tham gia vào chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn và công nghệ tương lai toàn cầu./.
- Từ khóa:
- chip bán dẫn
- vi mạch
- đề án
- Đà Nẵng