Xã hội

Đại hội Đoàn XII: Đồng hành cùng thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp

Ninh Bình

“Đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Đoàn. Nhiều mô hình khởi nghiệp hiệu quả được đoàn viên, thanh niên học hỏi, áp dụng và nhân rộng.

Anh Nguyễn Thế Thành (áo xám) khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực cung cấp máy tính, thiết bị văn phòng, thiết bị kỹ thuật số và tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương. Ảnh: Hải Yến/TTXVN.

 (TTXVN) Nhiều bạn trẻ tại Ninh Bình đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả kiến thức cùng tư duy nhạy bén trong kinh doanh, dám nghĩ, dám làm, dấn thân, đương đầu với thử thách để tìm cho mình hướng đi riêng trong phát triển kinh tế. Qua đó, khẳng định vai trò tiên phong của lực lượng đoàn viên, thanh niên, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

* Dám nghĩ, dám làm

Anh Nguyễn Thế Thành (sinh năm 1991, tại thành phố Ninh Bình) từng theo học nhiều nghề ở Hà Nội. Sau nhiều năm mưu sinh vất vả, anh quyết định về quê khởi nghiệp. Anh bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2016 với cửa hàng máy tính đầu tiên. Năm đầu tiên kinh doanh không có lãi, đến nay, với sự nỗ lực, anh thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư thương mại và dịch vụ Nguyên Thành quy mô lớn, chuyên nghiệp trong lĩnh vực cung cấp máy tính, thiết bị văn phòng, thiết bị kỹ thuật số, giải pháp ứng dụng công nghệ tại Ninh Bình. Trải qua nhiều khó khăn, thậm chí có cả thất bại nhưng nhờ kiên trì và bản lĩnh, anh Thành từng bước mở rộng hoạt động kinh doanh với thương hiệu máy tính Nguyên Thành.

 Anh Nguyễn Thế Thành (đứng) truyền đạt kinh nghiệm cho nhân viên. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Bên cạnh phát triển kinh tế cho bản thân, anh Thành còn tạo việc làm cho nhiều bạn trẻ cùng đam mê. Anh Thành tổ chức các lớp đào tạo nghề miễn phí để truyền đạt kinh nghiệm cho nhân viên cũng như bạn trẻ muốn khởi nghiệp. Anh tiếp tục phát triển nơi đây trở thành nơi chắp cánh ước mơ cho các bạn trẻ có niềm đam mê công nghệ.

Từ một cửa hàng nhỏ lẻ, đến nay, công ty của anh Thành đã có uy tín, chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Năm 2022, dù còn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, doanh thu của công ty vẫn đạt hàng tỷ đồng, mang lại thu nhập ổn định cho bản thân và tạo việc làm cho 11 lao động là đoàn viên, thanh niên địa phương với mức lương từ 8 -10 triệu đồng/người/tháng. Khởi nghiệp thành công nhưng anh chưa cảm thấy đủ để dừng chân. Anh đang nỗ lực tìm ra ý tưởng mới hơn để tiếp tục phát triển với mong muốn mang đến cho khách hàng sản phẩm công nghệ, dịch vụ tốt nhất.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, xã Khánh Hội, huyện Yên Khánh, chuyển đổi 2,4 ha đất lúa kém năng suất thành ao hồ nuôi cá giống nước ngọt và cây lâu năm, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Hải Yến/TTXVN.

Nhờ tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1985) ở xã Khánh Hội, huyện Yên Khánh chủ động thuê, chuyển đổi 2,4 ha đất lúa kém năng suất thành ao hồ nuôi cá giống nước ngọt và cây lâu năm thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Sau nhiều năm sinh sống ở nơi đất khách quê người, về quê khởi nghiệp năm 2016 từ chủ trương dồn điền đổi thửa của địa phương, anh Tuấn vay mượn đầu tư hơn 2 tỷ đồng cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng gia trại.

Năm đầu mới bắt tay vào làm, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, anh gặp không ít khó khăn. Sau đó, anh tích cực nghiên cứu, học tập cộng với kinh nghiệm tích lũy từ thực tế, việc nuôi trồng thành công hơn. Với những tín hiệu tích cực từ mô hình giúp anh Tuấn củng cố thêm niềm tin vào sự lựa chọn đúng đắn của mình và tiếp tục tập trung đầu tư vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật phát triển ổn định mô hình.

Chịu khó tìm hiểu, học hỏi kiến thức về cá Koi, năm 2021, anh mạnh dạn đầu tư kinh doanh cá Koi và thành công bước đầu. Không chỉ nâng cao đời sống kinh tế gia đình, anh Tuấn còn tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và có đóng góp xây dựng quê hương. Anh Tuấn chia sẻ, những năm qua, tổ chức Đoàn các cấp luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để anh tiếp cận nguồn vốn vay phát triển, mở rộng quy mô sản xuất. Sự đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp bộ Đoàn đã giúp anh xây dựng thành công mô hình kinh tế, đem lại lợi nhuận cao.

* Đồng hành với thanh niên

Xác định “Đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Đoàn, qua đó mở rộng, tập hợp đoàn kết thanh niên, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Ninh Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tập trung triển khai nhiều hoạt động cụ thể như: hỗ trợ, khai thác nguồn vốn vay cho thanh niên phát triển kinh tế, học nghề, lập nghiệp; tổ chức sàn giao dịch tư vấn và định hướng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh Trung học Phổ thông; thành lập, duy trì và nhân rộng mô hình liên kết phát triển kinh tế...

Các cấp bộ Đoàn triển khai sâu rộng phong trào khởi nghiệp gắn với phong trào lập thân, lập nghiệp, xung kích phát triển kinh tế gia đình trong đoàn viên, thanh niên, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. Cùng với đó là tích cực phối hợp với các ngành và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng, giúp đoàn viên, thanh niên lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp năng lực, sở trường, điều kiện của gia đình. Bằng những tài nguyên sẵn có và ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, thanh niên Ninh Bình mạnh dạn sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tạo bước đi vững chắc trên con đường khởi nghiệp. Nhiều mô hình khởi nghiệp hiệu quả được đoàn viên, thanh niên học hỏi, áp dụng và nhân rộng.

Các cấp bộ Đoàn luôn chú trọng hỗ trợ về nguồn vốn, trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật cho thanh niên. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 43/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh và Đề án số 29/ĐA-UBND ngày 23/11/2018 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh cho thanh niên, trên địa bàn tỉnh có gần 3.000 lao động trẻ được giải quyết việc làm, với mức thu nhập bình quân đầu người ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Tỉnh Đoàn đã giải ngân cho 506 mô hình, dự án do đoàn viên, thanh niên làm chủ với số tiền 30 tỷ đồng. Ngoài hỗ trợ vốn, các cấp bộ Đoàn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đoàn viên, thanh niên, từ đó giúp thanh niên có thêm tri thức cũng như thông tin để mở rộng sản xuất, kinh doanh, vươn lên lập thân, lập nghiệp.

Tỉnh Ninh Bình hiện có trên 198.000 thanh niên (từ 16 - 30 tuổi), chiếm 38,4% lực lượng lao động xã hội trong tỉnh. Nhằm tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp để có nhiều mô hình thành công, hiệu quả, góp phần phát triển các thành phần kinh tế, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Ninh Bình Nguyễn Đức Hiệp cho biết, thời gian tới, Tỉnh Đoàn tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đoàn trực thuộc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Đồng thời, Tỉnh Đoàn phối hợp với các ngành, đoàn thể tạo nguồn vốn vay, liên kết tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ thanh niên ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, đồng hành cùng thanh niên trong phong trào lập thân, lập nghiệp. Qua đó, phát triển hiệu quả mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập, đồng thời giải quyết nguồn lao động địa phương, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, địa phương./.

Thùy Dung

Xem thêm