Ngày 15/12, tại thành phố Bạc Liêu, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban Cụm thi đua Nam Sông Hậu (gồm 6 tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng).
(TTXVN) Ngày 15/12, tại thành phố Bạc Liêu, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban Cụm thi đua Nam Sông Hậu (gồm 6 tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng).
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự chỉ đạo hội nghị. Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lữ Văn Hùng cùng dự.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của Cụm thi đua Nam Sông Hậu còn một số khó khăn, hạn chế như: việc phát huy vai trò của các ủy viên ủy ban các cấp còn hạn chế. Nhiều địa phương chưa thành lập được các ban tư vấn ở cấp huyện, tổ tư vấn ở cấp xã. Công tác nắm bắt, phản ánh tình hình các tầng lớp nhân dân có lúc, có nơi, có việc chưa kịp thời; chưa thực hiện đầy đủ các hình thức giám sát, phản biện xã hội; việc triển khai phong trào thi đua, các cuộc vận động bị đánh giá còn chưa thực sự hiệu quả...
Bà Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị các tỉnh trong Cụm tích cực hơn nữa trong khắc phục khó khăn, thách thức, tập trung triển khai thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm trong năm 2023 và thời gian tới. Cụ thể, Mặt trận Tổ quốc các địa phương chủ động hơn nữa tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự ủng hộ của Chính quyền trong triển khai mọi nhiệm vụ; quyết tâm theo sát cho đến khi có kết quả. Cán bộ Mặt trận phải là tai, là mắt của nhân dân, cũng là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, do đó cần chú trọng hơn nữa đến công tác nắm tình hình nhân dân. Cùng với đó, kịp thời thông tin, báo cáo về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để có kiến nghị với Đảng, Nhà nước giải quyết kịp thời, không để xảy ra các điểm nóng, tình huống bị động, bất ngờ trên địa bàn.
Nhấn mạnh công tác giám sát, phản biện xã hội phải là trọng tâm, mũi nhọn của công tác Mặt trận trong giai đoạn sắp tới, bà Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị không chạy theo số lượng, mà tập trung cho chất lượng các kiến nghị, đề xuất; giám sát phải chuyên sâu, ý kiến kiến nghị, đề xuất phải đúng, phải trúng, phải tạo được sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị cần quan tâm kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là cấp cơ sở; chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền có chính sách động viên, hỗ trợ để cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở yên tâm tư tưởng, ổn định cuộc sống gia đình để tiếp tục công tác, cống hiến.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng thông tin, sau 25 năm tái lập, địa phương đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, năm 2022, kinh tế đã được phục hồi và tăng trưởng, đạt 9,6%; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Những thành tựu mà tỉnh đạt được có sự đóng góp không nhỏ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã vận động, tập hợp, phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước mang ý nghĩa thiết thực, tạo ra nhiều chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của đông đảo các tầng lớp nhân dân, thu hút sự quan tâm ủng hộ, chia sẻ của các cấp, các ngành, các đoàn thể, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và trở thành một trong những hoạt động thường xuyên, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cho rằng, hội nghị giao ban Cụm thi đua Nam Sông Hậu năm 2022 có ý nghĩa rất thiết thực, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc các tỉnh trong khu vực tăng cường mối quan hệ giao lưu, trao đổi thông tin, kinh nghiệm thiết thực, góp phần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới. Thông qua hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu yêu cầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh học tập kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hoạt động có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Năm 2022, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh trong Cụm thi đua đã tập trung thực hiện theo 5 chương trình hành động Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình phối hợp thống nhất hành động của Trung ương, của các tỉnh và Nghị quyết của các cấp ủy Đảng...
Mặt trận các tỉnh trong Cụm đã cụ thể hóa và ban hành 19.455 văn bản triển khai thực hiện; thường xuyên tổ chức kiểm tra, nắm tình hình tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã; kịp thời đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương, phát động phong trào thi đua và triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
Năm 2023, Cụm thi đua Mặt trận các tỉnh Nam Sông Hậu xác định công tác giám sát, phản biện xã hội là trọng tâm, mũi nhọn của công tác mặt trận trong giai đoạn sắp tới. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng việc tổ chức các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận phát động, với những mô hình, điển hình mới sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ sở. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ mặt trận các cấp, nhất là cấp cơ sở.
Tại hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận nhiệm vụ Cụm trưởng Cụm thi đua Mặt trận các tỉnh Nam Sông Hậu năm 2023./.
- Từ khóa:
- Phản biện xã hội
- công tác Mặt trận