Đại hội Thể thao toàn quốc 2022: Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh giành thêm 3 huy chương Vàng môn Judo
Trong số 9 bộ huy chương được trao trong môn Judo chiều 11/12, Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh xuất sắc giành 3 Huy chương Vàng, nâng tổng số Huy chương Vàng đoàn giành được trong 2 ngày thi đấu lên 6.
(TTXVN) Ngày 11/12, môn Judo tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 bước vào ngày thi đấu thứ 2 tại Nhà thi đấu huyện Hoài Đức, Hà Nội. Các vận động viên nữ tranh tài nội dung thi đấu đối kháng các hạng cân dưới 42 kg, dưới 45 kg, dưới 48 kg, dưới 52 kg, dưới 57 kg. Các võ sỹ nam tranh huy chương nội dung thi đấu đối kháng, hạng cân dưới 81 kg, dưới 90 kg, dưới 100 kg và trên 100 kg.
Trong số 9 bộ huy chương được trao hôm nay, Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh xuất sắc giành 3 Huy chương Vàng, nâng tổng số Huy chương Vàng đoàn giành được trong 2 ngày thi đấu lên 6. Tất cả Huy chương Vàng Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh giành được đều ở nội dung đối kháng nam các hạng cân.
Các vận động viên Judo Thành phố Hồ Chí Minh đã giành Huy chương Vàng chiều 11/12 là Lê Anh Tài (dưới 90 kg), Nguyễn Hoàng Dương (dưới 100 kg) và Nguyễn Châu Hoàng Lân (trên 100 kg).
Ở nội dung đối kháng nam dưới 81 kg, Huy chương Vàng thuộc về vận động viên Trần Thanh Hiền (Đoàn Bà Rịa Vũng Tầu). Thanh Hiền đã chiến thắng Bùi Minh Quân (Thành phố Hồ Chí Minh) bằng điểm tuyệt đối (ippon) trước khi thời gian thi đấu chính thức (4 phút) còn 16 giây.
Do có trình độ và kỹ thuật thi đấu vượt trội, chiến thắng của các vận động viên nam trong 4 trận Chung kết diễn ra nhanh. Các trận đấu sôi nổi, đẹp mắt và kết thúc bằng điểm thắng tuyệt đối hoặc điểm hơn. Trong khi đó, 5 trận Chung kết đối kháng nữ ở các hạng cân lại có thời gian thi đấu kéo dài.
Theo luật, mỗi trận thi đấu Judo gồm 4 phút chính. Việc phân thắng bại được quyết định ngay khi vận động viên dành điểm tuyệt đối (ippon), hoặc hơn điểm sau 4 phút chính. Hết thời gian chính, trận đấu chuyển sang tính điểm giờ vàng (GS). Vận động viên nào dành điểm trước sẽ thắng và trận đấu dừng lại. Do đó, một trận thi đấu Judo có thời gian không cố định, có thể kết thúc sau vài giây thi đấu hoặc kéo dài hàng chục phút.
Trong trận Chung kết nữ hạng cân dưới 57 kg, vận động viên Nguyễn Thị Bích Ngọc (Đồng Tháp) đối kháng với Nguyễn Ngọc Diễm Phương (Bến tre). Trong thời gian 4 phút thi đấu chính, hai đối thủ giằng co, thăm dò và mỗi người đều nhận 2 thẻ vàng vì lỗi không tích cực tấn công. Trong thời gian thi đấu tính điểm giờ vàng, 2 đối thủ tiếp tục xoay vòng, vần nhau trên sàn đấu đến 24 phút 52 giây khiến tổng thời gian trận Chung kết kéo dài gần 29 phút. Chung cuộc cho trận đấu có thời gian dài “kỷ lục”, ít tình huống tấn công gay cấn, nguy hiểm, trọng tài quyết định vận động viên Bích Ngọc của Đồng Tháp chiến thắng, giành Huy chương Vàng.
Trong các trận chung kết nữ diễn ra trước đó, Huy chương Vàng lần lượt thuộc về các vận động viên: Nguyễn Thị Nhạn (Bắc Ninh, dưới 42 kg), Nguyễn Thạch Hải Yến (Trà Vinh, dưới 45 kg), Hoàng Thị Tình (Thanh Hóa, dưới 48 kg), Nguyễn Thị Thanh Thủy (Ninh Bình, dưới 52 kg).
Vận động viên Nguyễn Châu Hoàng Lân (Thành phố Hồ Chí Minh) với chiến thắng tuyệt đối trong trận Chung kết với Nguyễn Hải Âu (Đồng Nai) chia sẻ: "Với rất nhiều nỗ lực và quyết tâm thi đấu, chiến thắng hôm nay mang đến niềm vui rất lớn đối với tôi. Càng vui hơn nữa khi đến thời điểm này, thành tích thi đấu đối kháng của đội nam Thành phố Hồ Chí Minh rất tốt."
Nữ võ sỹ Nguyễn Thạch Hồng Khuyên (Đoàn Trà Vinh) 18 tuổi, có hơn 3 năm gắn bó với Judo cho biết: "Các vận động viên Judo tham dự Đại hội rất mạnh. Trong ngày thi đấu hôm nay, em đã gặp những võ sĩ mạnh hơn mình cả về năng lực, trình độ lẫn kinh nghiệm thi đấu. Tham dự Đại hội là vinh dự và niềm vui rất lớn và em đã học hỏi được rất nhiều qua các trận đấu. Giành Huy chương Đồng (nội dung dưới 42 kg) tại Đại hội này là thành tích cá nhân, em thấy hơi tiếc nhưng kết quả này sẽ giúp em cố gắng hơn trong thời gian tới."
Judo là môn võ có xuất xứ từ Nhật Bản, có tên gọi khác là Nhu đạo, được võ sư Kano Jigoro sáng lập vào năm 1882. Nền tảng của Judo là võ cổ truyền Jujitsu (còn gọi là Nhu thuật) của Nhật Bản. Do môn thể thao này lấy nhu thắng cương, thay vì dùng binh khí, võ sỹ Judo tận dụng các đòn chém, đòn đâm từ tay và chân để phòng thủ. Trong Judo, các đòn tấn công thường là đòn đè, quật ngã, siết cổ và khóa tay chân. Judo không chỉ là môn rèn luyện thể lực mà còn là môn giáo dục trí tuệ, đạo đức người tập về các nguyên tắc sống và đạo đức trong xã hội. Không chỉ đơn thuần là một môn võ, Judo là hệ thống di sản văn hóa và truyền thống rất riêng biệt. Chính vì vậy, Judo xuất phát từ Nhật Bản, ngày càng phát triển ở nhiều quốc gia châu Á và hiện đã trở thành một môn thi đấu Olympic./.