Xây dựng Đảng

Đại hội toàn quốc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam: Chủ động đề xuất chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí hoạt động

Các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết để hoạt động Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 thành công.

Đại biểu tham dự Đại hội. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

TTXVN - Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết để hoạt động nhiệm kỳ 2023 – 2028 thành công.

* Bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương

Đại biểu Trần Văn Quang, Chủ tịch Thành hội Hà Nội cho rằng, để thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, nhiệm kỳ 2023-2028, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp cần chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn tổ chức hội và giao nhiệm vụ hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, đúng với tinh thần các nghị quyết, kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng; quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng có liên quan. Quán triệt triển khai vận dụng thực hiện ở địa phương từ cấp tỉnh, thành phố đến quận, huyện và cơ sở xã, phường linh hoạt, phù hợp với thực tế.

Bên cạnh đó, các cấp hội cần chủ động xây dựng kế hoạch công tác hàng năm, làm cơ sở đề xuất với chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên và các chế độ chính sách cho người làm công tác thường trực; đề nghị chính quyền tạo điều kiện cho phép hội được tổ chức tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ, tạo nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Những khó khăn, vướng mắc do hội đề xuất, kiến nghị cần được các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nạn nhân. Bên cạnh đó, hoạt động của hội phải thực sự có hiệu quả, góp phần thiết thực trong việc bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương; từng bước củng cố, nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của hội đối với nạn nhân chất độc da cam; khẳng định hội là chỗ dựa, là cầu nối giữa nạn nhân với cộng đồng xã hội.

Theo ông Trần Văn Quang, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2023-2028 là đợt sinh hoạt chính trị sâu, rộng trong các tổ chức hội từ Trung ương đến địa phương. Đây là dịp tuyên truyền nâng cao nhận thức để cán bộ, hội viên, nhân dân trong nước, các tổ chức quốc tế hiểu rõ hơn về tích chất, mức độ ác liệt của chiến tranh đế quốc Mỹ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam; đặc biệt là, hậu quả thảm khốc, lâu dài của chất độc hóa học/dioxin Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Đẩy mạnh tuyên truyền cũng nhằm xây dựng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác tổ chức và hoạt động hội. Về công tác vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhân dân đóng góp ủng hộ tiền, vật chất để chăm lo giúp đỡ cho các nạn nhân mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn; kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế tham gia đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nạn nhân.

Trong công tác chăm sóc giúp đỡ nạn nhân, các cấp Hội cần bám sát mục tiêu, yêu cầu tư tưởng chỉ đạo hành động của Đại hội; với phương châm, hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân; xác định đối tượng cần được chăm sóc giúp đỡ là nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh thực sự khó khăn, sức khỏe yếu, những gia đình có từ 2 người là nạn nhân trở lên.

Ông Trần Văn Quang cho rằng, để nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động công tác hội đạt hiệu quả, thiết thực, trước hết Ban Thường vụ, Thường trực các cấp Hội phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội trong hệ thống chính trị, MTTQ từ Trung ương đến địa phương, cùng chung tay tham gia hỗ trợ, giúp đỡ kinh phí xây, sửa nhà tình nghĩa; hỗ trợ vốn sản xuất phát triển kinh tế; tạo việc làm cho con của nạn nhân để có thu nhập...

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài chụp ảnh chung với các đại biểu. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

* Nâng cao chất lượng tuyên truyền công tác hội

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Bạc Liêu Võ Thị Hồng Thoại cho biết, Bạc Liêu là một trong các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, gây hậu quả rất nặng nề, làm cho hơn 10.000 người bị phơi nhiễm; hơn 6.000 người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin; có trên 22% gia đình có từ 3 nạn nhân trở lên, đặc biệt có gia đình có đến 9 nạn nhân (qua 3 thế hệ).

Chia sẻ kinh nghiệm để hoạt động hội hiệu quả, bà Võ Thị Hồng Thoại cho biết, tỉnh có tổng số hơn 9.000 hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó có 60% hội viên là cựu chiến binh, 100% chi hội được thành lập, sinh hoạt lồng ghép với Hội Cựu chiến binh. Hằng năm cùng với kế hoạch mở lớp bồi dưỡng tập huấn kỹ năng hoạt động Hội Cựu chiến binh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phối hợp bồi dưỡng cho cán bộ Hội cấp huyện và cơ sở. Đặc biệt ở Bạc Liêu có 70% cán bộ Hội Cựu chiến binh kiêm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp cơ sở, 100% Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong tỉnh có thành viên Ban Thường vụ là đại diện Cựu chiến binh; 90% chi hội trưởng Cựu chiến binh kiêm chi hội trưởng chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin với tinh thần trách nhiệm cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho Hội duy trì sinh hoạt hội các cấp, nhất là cấp chi hội đều đặn hàng tháng với nội dung, hình thức sinh hoạt phong phú, hấp dẫn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên.

Với cách làm trên, các hội viên Cựu chiến binh, Nạn nhân chất độc da cam/dioxin gần gũi gắn bó với nạn nhân để nắm bắt tâm tư, tình cảm, thấu hiểu về sức khỏe, cuộc sống kinh tế, kịp thời báo cáo đề xuất các cấp Hội chăm lo giúp đỡ họ ngày một tốt hơn cả về vật chất lẫn tinh thần…/.


Phương Hà

Tin liên quan

Xem thêm