Xây dựng Đảng

Đại tướng Tô Lâm chủ trì công bố dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Bình Định

Bình Định

Tỉnh cần tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm, tính nêu gương của người lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

TTXVN - Ngày 15/11, tại Bình Định, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (gọi tắt Ban Chỉ đạo), Trưởng Đoàn kiểm tra số 2 của Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị Công bố dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra theo Kế hoạch số 35-KH/BCĐTW, ngày 7/8/2023 của Ban Chỉ đạo tại Bình Định.

Thực hiện Kế hoạch số 35-KH/BCĐTW, ngày 7/8/2023 của Ban Chỉ đạo về kiểm tra công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước, ngày 12/10, Đoàn kiểm tra số 2 của Ban Chỉ đạo đã công bố quyết định, kế hoạch kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định. Đoàn đã trực tiếp kiểm tra, làm việc với 9 cơ quan liên quan về công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước (gồm Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, Cục Thi hành án dân sự).

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, quá trình làm việc, các thành viên của Đoàn đã nghiên cứu tài liệu và trao đổi trực tiếp với các cơ quan liên quan của tỉnh Bình Định về công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước. Đến nay, Đoàn đã hoàn thành dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra về chuyên đề nêu trên và đã gửi xin ý kiến bước đầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định. Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước là một nội dung rất quan trọng, đây là lần đầu tiên Ban Chỉ đạo kiểm tra chuyên đề về nội dung này. Qua đó sẽ giúp Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng có cái nhìn tổng quát, toàn diện hơn về công tác này, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Đó là quản lý, sử dụng đất đai; đấu thầu; đấu giá tài sản; giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Trên cơ sở đó, Đoàn kiểm tra đã và tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, khắc phục sơ hở, bất cập, khoảng trống về cơ chế, chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực này, không để phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện Thường trực Đoàn kiểm tra số 2 công bố dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định về nội dung nêu trên; tham gia thảo luận để hoàn thiện báo cáo.

Theo dự thảo Báo cáo kết quá kiểm tra việc thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước, từ ngày 1/1/2016 đến ngày 30/6/2023, các cơ quan, tổ chức có liên quan của tỉnh Bình Định đã tăng cường phối hợp, chủ động tham mưu, đề xuất HĐND tỉnh và UBND tỉnh ban hành 947 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 291 nghị quyết, 626 quyết định). Qua kiểm tra, rà soát hằng năm, đã kiến nghị HĐND và UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung 176 văn bản; thay thế, bãi bỏ toàn bộ 362 văn bản. Nội dung các văn bản đã được thay thế, bãi bỏ, sửa đối, bổ sung tập trung vào quản lý, sử dụng đất đai, đấu thầu, đấu giá tài sản, giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự và thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế,..

Về rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị của các Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với cá nhân, tập thể có sai phạm. Đồng thời ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế trong phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận và xử lý nguồn tin tội phạm, giám định, định giá tài sản trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.

Qua kiểm tra cho thấy cấp ủy, chính quyền các cấp của Bình Định đã cụ thể hóa, thể chế hóa tương đối đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong kỳ kiểm tra, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và các cấp ủy có liên quan của tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt đầy đủ, nghiêm túc; đồng thời ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động, văn bản để cụ thể hóa, triển khai thực hiện. HĐND, UBND tỉnh Bình Định và các đơn vị được kiểm tra đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn áp dụng pháp luật theo thẩm quyền để tổ chức thực hiện các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ và các văn bản pháp pháp luật trong các lĩnh vực được kiểm tra. Đồng thời quan tâm kiểm tra, giám sát thanh tra để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục bất cập về cơ chế, chính sách, văn bản của địa phương...

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị Bình Định cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nhất là một số nội dung về tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các địa phương gắn với tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phổ biến và quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trên lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực...

Tỉnh cần tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm, tính nêu gương trong vai trò người lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời thực hiện mục tiêu quản lý, quản trị xã hội bằng pháp luật...

Bình Định cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch trong hoạt động cơ quan. Trong đó, cải cách hành chính cần áp dụng công nghệ số để người dân được thuận lợi nhất. Tỉnh chú trọng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương của Nhà nước trên các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đấu thầu, đấu giá tài sản, giám định tư pháp, đặc biệt chú trọng việc kiểm tra, giám sát nội bộ.

Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm xây dựng tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý cán bộ, đảng viên, công chức chuyên trách làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.

Thay mặt Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng tiếp thu ý kiến đóng góp của Đoàn kiểm tra, sau khi có kết luận chính thức, Bình Định sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết để khắc phục những tồn tại, hạn chế.../.

Sỹ Thắng

Tin liên quan

Xem thêm