Hội thảo là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước; củng cố và thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó của Đảng bộ, nhân dân hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp.
TTXVN - Ngày 15/11, Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Tháp tổ chức Hội thảo khoa học “Phân Ban Tỉnh ủy Vĩnh Long - Ký ức không thể nào quên”.
Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Thành Thế nhấn mạnh, Hội thảo nhằm tìm hiểu và góp phần làm sâu sắc thêm bối cảnh lịch sử, quá trình hình thành, những cống hiến, hy sinh của các đồng chí từng tham gia công tác, chiến đấu ở Phân Ban Tỉnh ủy Vĩnh Long trong những năm tháng cam go của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên vùng đất thuộc các huyện: Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành và thành phố Sa Đéc (trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Long, hiện nay thuộc tỉnh Đồng Tháp); vai trò và ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Phân Ban Tỉnh ủy Vĩnh Long đối với tiến trình lịch sử của hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp.
Hội thảo là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; củng cố và thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó của Đảng bộ, nhân dân hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp.
Các tham luận được trình bày tại hội thảo đã cung cấp những thông tin, tư liệu quý giá về bối cảnh lịch sử, quá trình hình thành, hoạt động của Phân Ban Tỉnh ủy, trong giai đoạn khó khăn, ác liệt nhất của nhân dân khu vực Lấp Vò trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; những câu chuyện cảm động về tình đồng chí, đồng đội đã kề vai sát cánh, tham gia công tác, chiến đấu ở Phân Ban Tỉnh ủy.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang cho biết, cách đây hơn 50 năm, sau sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, đầu năm 1969, địch chiếm đóng hầu hết vùng ven thị xã Vĩnh Long. Hai huyện Lấp Vò và Cái Nhum các vùng giải phóng trước đây đều bị địch chiếm đóng. Đặc biệt, chiến trường Lấp Vò là địa bàn xung yếu, nằm giữa hai nhánh của sông Tiền và sông Hậu nơi có Quốc lộ 80 xuyên qua, phía Đông Nam giáp tiểu khu Sa Đéc, phía Tây Bắc giáp thị xã Long Xuyên và khu vực vùng ven sông Hậu là nơi có đông đồng bào theo Phật giáo Hòa Hảo sinh sống. Vì vậy, địch quyết tâm bình định, tăng cường sử dụng lực lượng tại chỗ, kết hợp với lực lượng dã chiến, kiểm soát chặt quần chúng, tăng cường phi pháo, càn quét hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng ở khu vực này.
Đầu năm 1971, Tỉnh ủy Vĩnh Long chủ trương chia địa bàn tỉnh ra thành 3 khu vực gồm: Khu vực vùng chữ V bao gồm các huyện Châu Thành và các xã Bắc lộ 4 của huyện Bình Minh; khu vực Nam quốc lộ 4 bao gồm các huyện Tam Bình, Cái Nhum và thị xã Vĩnh Long; khu vực Lấp Vò bao gồm huyện Lấp Vò, huyện Sa Đéc (Lai Vung) và thị xã Sa Đéc. Phân Ban Tỉnh ủy Vĩnh Long là một bộ phận của Tỉnh ủy Vĩnh Long ra đời từ yêu cầu thực tiễn đặt ra lúc bấy giờ nhằm thay mặt Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo khu vực Lấp Vò.
Qua hơn 3 năm bám trụ, trực tiếp nắm tình hình, lãnh đạo chiến đấu, Phân ban Tỉnh ủy đã từng bước gây dựng cơ sở, đưa phong trào cách mạng ở từng xã và trong toàn khu vực Lấp Vò lấy lại được thế, trụ được địa bàn, từ thế bị động dần chuyển sang chủ động tiến công, gây hoang mang dao động lớn trong hệ thống đồn bót và phòng vệ dân sự địch, buộc chúng phải co cụm, bị động đối phó. Các lõm căn cứ, lõm giải phóng ở khu vực Lấp Vò cơ bản được giữ vững và mở rộng thêm, đặc biệt là phong trào cách mạng của quần chúng ngày một nâng cao; nhân dân tin tưởng Đảng, tin vào cách mạng; quyết liệt đấu tranh với kẻ thù, giải phóng ấp, xã, tiến lên giải phóng toàn vùng; phá rã âm mưu bình định của địch, góp phần giải phóng tỉnh, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Tháng 8 năm 1974, nhằm tạo điều kiện chuyển mạnh vùng Lấp Vò, tạo sự gắn bó chiến trường ở phía Đông và Tây của sông Tiền, Trung ương Cục miền Nam chủ trương thành lập tỉnh Sa Đéc trên cơ sở các địa phương thuộc vùng Lấp Vò trước đây. Một số đồng chí ở Phân Ban được phân công lãnh đạo tỉnh Sa Đéc mới thành lập, một số đồng chí về lại Vĩnh Long. Từ đây, Phân Ban Tỉnh ủy Vĩnh Long kết thúc vai trò và sứ mệnh lịch sử hết sức vẻ vang của mình.
Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, Phân ban của Tỉnh ủy Vĩnh Long đã kịp thời đưa chủ trương lãnh đạo của Tỉnh ủy đến được khu vực Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành, Sa Đéc trong điều kiện chiến trường bị chia cắt. Sự có mặt của các đồng chí ở Phân ban như chiếc cầu nối giữa Đảng với dân, quân địa phương, tất cả cùng đoàn kết, đồng lòng quyết tâm, kiên cường bám trụ, giữ vững và không ngừng củng cố, phát triển các phong trào cách mạng, góp phần cùng với các địa phương trong cả nước tiến lên giành thắng lợi cuối cùng, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Thắng khẳng định, những trang sử tuy ngắn nhưng rất hào hùng của Phân Ban Tỉnh ủy được Đảng bộ và chính quyền hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp kế thừa, phát huy trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng đề nghị hai tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn về một thời kỳ khó khăn, gian khổ, hy sinh, mất mát nhưng cũng rất vẻ vang và tự hào trong lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân hai tỉnh. Bên cạnh đó, hai tỉnh cần nghiên cứu, bổ sung đưa vào lịch sử Vĩnh Long - Đồng Tháp và các địa phương, ban, ngành, đoàn thể có liên quan để giáo dục truyền thống, lưu giữ những thông tin, tư liệu, hình ảnh, những trang sử quý báu về Phân Ban Tỉnh ủy làm giàu thêm thành tích của địa phương, đơn vị mình và lưu giữ cho thế hệ sau.
Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân hai tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp cần quan tâm, hỗ trợ và thực hiện tốt hơn nữa các chế độ, chính sách đối với các đồng chí, thân nhân gia đình các đồng chí từng sống, chiến đấu và những gia đình nuôi chứa Phân Ban Tỉnh ủy Vĩnh Long./.