Đắk Lắk đã xây dựng nhiều chính sách góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
TTXVN - Nhằm hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội, các cấp, ngành tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng nhiều chính sách như: Dạy nghề; khuyến nông; hỗ trợ về y tế, giáo dục; trợ giúp pháp lý; cho vay nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội… Các chính sách đã góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Huyện Lắk là địa phương còn nhiều khó khăn, với dân số gần 80.000 người, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 64%. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đào Thị Thanh An, nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện khóa XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành nhiều Nghị quyết. Trong đó, có các nghị quyết trọng tâm như: Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 13/10/2020 về "Tập trung huy động các nguồn lực nhằm xây dựng và phát triển huyện Lắk trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk vào năm 2030"; Nghị quyết số 05-NQ/HU, ngày 5/3/2021 về "Lãnh đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giai đoạn 2021 - 2025"…
Đến nay, các Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, tạo sự lan tỏa từ nhận thức đến hành động của từng cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết số 05, các đơn vị đã huy động, hỗ trợ gần 300.000 cây các loại cho hơn 10.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Huyện phấn đấu đạt mục tiêu trồng 500.000 cây ăn trái các loại trong giai đoạn 5 năm (2021 - 2025), để phủ xanh đồi trọc, đất trống, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm mạnh trong nhiều năm liền. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 50,2%, đến cuối năm 2022 chỉ còn 25,2%. Huyện Lắk thoát khỏi huyện nghèo 30a của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2022.
Anh Y Kuynh Srê, xã Buôn Tría, huyện Lắk cho biết, được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ cây giống, con giống, gia đình anh đầu tư trồng trọt, chăn nuôi bò, lợn, ngan, gà. Gia đình còn được tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ đó, đời sống gia đình anh đã đỡ vất vả, giảm nghèo và vươn lên.
Đối với chương trình tín dụng ưu đãi, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã làm tốt vai trò trong xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn. Tính đến hết tháng 6/2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã đẩy mạnh hoạt động cho vay với số tiền giải ngân 1.094 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay đã tạo điều kiện cho hơn 26.800 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó, có 5.879 lượt hộ nghèo, 4.713 lượt hộ cận nghèo, 1.574 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, 3.261 lao động được tạo việc làm… Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với từng hộ dân ở những thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh; góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, cải thiện đời sống, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đặc biệt ưu tiên dành nguồn vốn cho hộ nghèo, dân tộc thiểu số là đối tượng yếu thế nhất trong xã hội. Trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách có sự tham mưu tích cực của cấp ủy chính quyền địa phương, vào cuộc sâu sát ngay từ lúc chọn đối tượng, bình xét cho vay. Ngân hàng và các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác tập trung công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, định hướng cho bà con trồng cây gì, nuôi con gì, phân kỳ trả nợ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đến được đúng đối tượng thụ hưởng.
Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, dân số hơn 1,9 triệu người với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 36% dân số). Địa phương có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó, có hai huyện nghèo (M’Drắk, Ea Súp). Trong những năm qua, tình hình kinh tế của tỉnh có bước phát triển nhất định, công tác giải quyết việc làm và an sinh xã hội được chú trọng. Năm 2022, tổng sản phẩm xã hội đạt hơn 58.300 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 9.070 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,85%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3,5%; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị còn 2,5%.
Từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh hỗ trợ khuyến nông, lâm, và phát triển thủy sản cho các đối tượng hộ nghèo, dân tộc thiểu số với kinh phí hơn 6 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 3.800 lao động nông thôn; cấp trên 2,4 tỷ thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách; trên 2,3 tỷ lượt người nghèo cận nghèo, các đối tượng chính sách được khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế, với số tiền trên 1,4 tỷ đồng…
Theo ông Phạm Phượng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành tham mưu công tác giảm nghèo trên địa bàn trong nhiệm kỳ 2015-2020 đạt nhiều kết quả, làm tiền đề để nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều. Trong năm 2022, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương giảm tương đối cao, đến nay, tổng số hộ nghèo là hơn 54.600 hộ, chiếm 10,94%.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, quá trình thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Địa bàn tỉnh Đắk Lắk diện tích rộng, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn tương đối cao, do đó cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cả hệ thống chính trị.
Đắk Lắk phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh đạt từ 1,5 - 2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3- 4%/năm. Để làm được điều này, thời gian tới, Đắk Lắk đề ra các giải pháp như: tuyên truyền rộng rãi đến các cấp chính quyền, người dân, phấn đấu vươn lên thoát nghèo vền vững; nhân rộng các mô hình giảm nghèo để người dân thấy được cái lợi, từ đó, phối hợp cùng chính quyền địa phương xây dựng các mô hình thiết thực, hiệu quả vươn lên thoát nghèo bền vững; tạo điều kiện cơ sở vật chất, đường sá giúp người dân thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa nông sản…
Bên cạnh đó, hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp các huyện, thị xã, thành phố rà soát hộ nghèo, cận nghèo để năm sau có kế hoạch thực hiện kết quả giảm nghèo tốt hơn./.
- Từ khóa:
- Đắk Lắk
- giảm nghèo bền vững