Sức khỏe

Đảm bảo an toàn thực phẩm trong học đường

Khánh Hòa

Nhà trường không dùng thực phẩm đông lạnh và luôn thay đổi khẩu phần ăn của học sinh theo tháp dinh dưỡng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố.

Thời gian qua, các địa phương, cơ sở giáo dục của tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm, nỗ lực trong tổ chức bếp ăn bán trú, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh tại trường. Tại thành phố Nha Trang, các bếp ăn bán trú ở các trường tiểu học được triển khai theo mô hình tự nấu trong nhà trường, tiến tới chuyển đổi mô hình bếp ăn tiện lợi.

* Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Bảo mẫu chia thức ăn vào khay cho học sinh tham gia ăn bán trú tại Trường Tiểu học Phương Sài, thành phố Nha Trang. 
Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Những năm qua, Trường Tiểu học Phương Sài, thành phố Nha Trang luôn xác định an toàn vệ sinh thực phẩm là khâu then chốt để thực hiện tốt công tác bán trú. Khi làm việc trong bếp, các nhân viên đều có đủ giấy chứng nhận tay nghề, sức khỏe, được trang bị đầy đủ đồng phục, tuân thủ quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh… Khuôn viên bếp được vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng, đảm bảo quy tắc một chiều, cùng với việc đảm bảo nguồn thực phẩm đầu vào tươi sống, có hóa đơn, xuất xứ, thời hạn sử dụng, đơn vị cung cấp rõ ràng. Khâu kiểm thực 3 bước: Sơ chế, quá trình chế biến, trước khi ăn đều có sự giám sát của Tiểu ban bán trú nhà trường. Ngoài ra, nhà trường thường xuyên mời Ban đại diện cha mẹ học sinh cùng tham gia giám sát.

Em Mai Minh Tài, học sinh lớp 5/2, Trường Tiểu học Phương Sài cùng các bạn ăn cơm trưa với thực đơn sườn kho, su xào, canh rau nấu thịt và tráng miệng táo. Khi được hỏi ăn cơm ngon không, em trả lời: “Cơm ở trường con ăn nhiều hơn ở nhà nữa, bữa nào ở trường con cũng ăn hết cơm trên khay”.

Một bữa ăn bán trú của học sinh tiểu học ở địa bàn thành phố Nha Trang ngay tại lớp học dưới sự chăm lo của bảo mẫu. 
Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Ông Nguyễn Thúc Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Sài khẳng định, nhà trường đã tổ chức nấu bán trú cho học sinh trong trường suốt 12 năm qua, đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bữa ăn đúng theo quy định về mức thu của nhà nước (22.000 đồng/bữa trưa, 5.000 đồng/bữa xế). Nhà trường không dùng thực phẩm đông lạnh và luôn thay đổi khẩu phần ăn của học sinh theo tháp dinh dưỡng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố trên phần mềm dinh dưỡng học đường.

Còn Trường Tiểu học Vĩnh Lương 2, thành phố Nha Trang đã chuyển đổi theo mô hình bếp ăn tiện lợi - đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong năm học này. Bếp ăn tiện lợi chỉ mới đi vào hoạt động một thời gian ngắn, nhưng đem đến nhiều lợi ích.

Chị Nguyễn Thị Cương, nhân viên công ty STARGATE bếp trưởng của bếp ăn bán trú Trường Tiểu học Vĩnh Lương 2 nấu thức ăn theo thực đơn theo quy định. 
Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Ông Đoàn Nam Giang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Lương 2 cho biết, mô hình bếp ăn bán trú tiện lợi này do doanh nghiệp đảm nhiệm nấu cho học sinh, nhà trường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và rất được phụ huynh học sinh đồng tình, ủng hộ cao. Từ đây, công việc của các thầy, cô giáo trong Ban Quản lý bếp ăn bán trú của nhà trường đỡ nặng hơn trước. Trước kia chưa có mô hình này, nhà trường phải đặt phần ăn ở bên ngoài cho học sinh, mỗi bữa ăn của các em, thầy, cô giáo đều lo lắng, vì nhỡ có sự cố xảy ra, trách nhiệm cũng như xử lý tình huống sẽ đè nặng lên vai giáo viên.

Chị Nguyễn Thị Cương, nhân viên Công ty STARGATE, bếp trưởng của bếp ăn bán trú Trường Tiểu học Vĩnh Lương 2 cho hay, với kinh nghiệm 10 năm nấu bếp, đối với chị, mọi khâu trong bếp ăn đều quan trọng như nhau nhưng khâu kiểm tra nguồn thực phẩm đầu vào được đặt lên hàng đầu. Theo chị Cương, thực phẩm tươi sống, chất lượng thì bữa ăn mới đảm bảo tiêu chí ngon, dinh dưỡng. “Mỗi bữa ăn của các cháu, tôi và công ty hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm. Chúng tôi nấu và chăm lo bữa ăn cho học sinh dưới sự quản lý của công ty, giám sát của nhà trường và phụ huynh nên mọi công đoạn đều được làm kỹ lưỡng, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm”, chị Nguyễn Thị Cương cam kết.

* Người đứng đầu chịu trách nhiệm toàn diện

Nhân viên công ty STARGATE làm việc tại bếp ăn bán trú đặt ở Trường Tiểu học Vĩnh Lương 2 theo quy trình 1 chiều. 
Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Trong vài năm gần đây, trên địa bàn thành phố Nha Trang đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn ở trường học, trong đó có một số vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm do dùng thực phẩm trước cổng trường. Năm 2022, đã có trường hợp hộ kinh doanh cung cấp suất ăn cho nhà trường làm hàng trăm học sinh ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, gây lo lắng cho phụ huynh, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, đầu năm học 2024 -2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ra Chỉ thị số 12/CT- UBND ngày 5/9/2024 về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục tại tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo phạm vi, lĩnh vực phụ trách, nâng cao nhận thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục về an toàn thực phẩm. Các địa phương thực hiện nghiêm các nội dung về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh truyền thông về an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm; xây dựng kế hoạch, phương án kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống phát sinh nếu có…

Bà Nguyễn Thị Ngọc Tú, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Nha Trang cho biết, thành phố có 9 trường ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, tổ chức bếp ăn bán trú tiện lợi; 29 trường tổ chức tự nấu trong trường. Thời gian tới, các trường tiểu học sẽ chuyển đổi mô hình quản lý công tác bán trú theo Đề án hợp tác xây dựng hệ thống bếp ăn tiện lợi - đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo các văn bản chỉ đạo của các cấp. Hiện, các trường tổ chức bếp ăn bán trú đều thực hiện theo quy định, đảm bảo về con người, cơ sở vật chất, nhân sự, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng, số lượng của bữa ăn và các quy định liên quan khác. Hiệu trưởng nhà trường sẽ là người chịu hoàn toàn trách nhiệm trước cấp trên đối với những vi phạm xảy ra tại bếp ăn bán trú của nhà trường. Ngoài ra, Phòng cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra đột xuất, định kỳ ở 100% trường có tổ chức hoạt động bán trú./.

Phan Sáu

Tin liên quan

Xem thêm