Xã hội

Đảm bảo môi trường sống an toàn, thân thiện giúp trẻ phát triển toàn diện

TP. Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định và có kế hoạch cụ thể triển khai chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn đến năm 2030.

 

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

(TTXVN) Ngày 20/12, Ủy ban trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) tổ chức triển khai Chương trình hành động vì trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2030.

Chương trình đặt mục tiêu đảm bảo trẻ em có môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để được phát triển toàn diện; thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng ngừa giảm thiểu lao động, tai nạn, thương tích trẻ em; phát hiện, hỗ trợ, can thiệp kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em; bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ.

Thành phố hướng đến nâng cao nhận thức, năng lực cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, góp phần xây dựng các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bền vững, đảm bảo phù hợp với nhu cầu của mọi trẻ em và xu hướng hội nhập quốc tế. Trong đó, nhấn mạnh 4 mục tiêu cụ thể gồm: phát triển toàn diện trẻ em, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng; bảo vệ trẻ em; giáo dục, văn hóa, vui chơi, giải trí; sự tham gia của trẻ vào các vấn đề về trẻ em...

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá cao việc Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định và có kế hoạch cụ thể chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn đến năm 2030; đồng thời nhấn mạnh, chăm sóc, phát triển toàn diện cho trẻ em nhằm đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế trong những năm tiếp theo.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Thành phố Hồ Chí Minh có các tổ chức xã hội hoạt động mạnh, phong trào thiện nguyện, mạng lưới tình nguyện rất lớn trong việc hỗ trợ thực hiện quyền và giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Các đại biểu tham gia phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Do vậy, Thành phố cần duy trì và phát triển các phong trào này, trong đó phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước để hướng dẫn, điều phối, tránh trùng lặp, lãng phí...

Cục trưởng Cục trẻ em khuyến nghị, Thành phố cần dự báo về tình hình trẻ em di cư; phòng ngừa tai nạn thương tích; hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trong không gian mạng và bảo vệ trẻ trong môi trường mạng. Địa phương ưu tiên phân bổ cả về ngân sách và nhân lực hợp lý để thực hiện và giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em; đồng thời, chú trọng duy trì, phát triển, nâng cao chất lượng các trung tâm dịch vụ y tế, giáo dục… nhằm mang lại lợi ích thật sự cho cộng đồng.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bình đẳng giới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố cho biết, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp triển khai có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu và các hoạt động thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em trong các ngành, lĩnh vực, đảm bảo kế hoạch của từng ngành, từng cấp và địa phương nhằm đạt mục tiêu “Thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em”.

Ủy ban nhân dân Thành phố cũng triển khai nhóm các mục tiêu thuộc chương trình, kế hoạch, đề án vì trẻ em giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gồm: hỗ trợ trẻ khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng; chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng; thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; xây dựng phường, xã, thị trấn phù hợp với trẻ; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em./.

Thanh Vũ

Xem thêm