Xã hội

Danh hiệu "Công nhân giỏi" là mục tiêu phấn đấu của công nhân Thủ đô

Nét đặc trưng của hầu hết các cá nhân đạt danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô" là những người cần cù lao động, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt để tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu và lãnh đạo Liên đoàn Lao động Hà Nội trao tặng Bằng công nhận "Công nhân giỏi Thủ đô" năm 2022. (Ảnh: TTXVN phát)


TTXVN - Các phong trào thi đua trong công nhân, viên chức, lao động, trọng tâm là phong trào "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo", phấn đấu đạt danh hiệu "Công nhân giỏi", "Sáng kiến sáng tạo Thủ đô"… đã được các cấp Công đoàn và công nhân lao động tích cực hưởng ứng, duy trì và phát triển. Đến nay, phong trào thực sự đi vào chiều sâu và có ý nghĩa lan tỏa rất sâu sắc. Danh hiệu "Công nhân giỏi" là niềm tự hào và mục tiêu phấn đấu của các thế hệ công nhân Thủ đô. Điểm nhấn của phong trào là hướng về cơ sở, tập trung tôn vinh những công nhân lao động trực tiếp, có nhiều sáng kiến sáng tạo; góp phần cùng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh.

*Không ngừng nâng cao trình độ

Thực hiện Chương trình hành động số 32-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", từ năm 2008, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã ban hành Quy chế xét tặng danh hiệu "Công nhân giỏi" với các tiêu chí phù hợp với đối tượng lao động trực tiếp nhằm khích lệ, động viên công nhân hăng say thi đua đạt kết quả tốt nhất.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết, những năm đầu phát động, số doanh nghiệp hưởng ứng và công nhân lao động được công nhận danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô" chủ yếu ở khối Nhà nước và công ty cổ phần có vốn Nhà nước chi phối. Hiện nay, số công nhân đạt danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô" lại tập trung ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Từ thực tiễn phong trào thi đua, 15 năm qua, đã có trên 440.000 lượt công nhân đạt danh hiệu "Công nhân giỏi" cấp cơ sở; trên 21.000 lượt "Công nhân giỏi" cấp trên cơ sở. Đáng chú ý, 1.789 "Công nhân giỏi Thủ đô" được Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức tuyên dương hàng năm vào dịp Tháng 5 - Tháng Công nhân. Bên cạnh đó, 391.818 lượt công nhân viên chức, lao động đạt danh hiệu "Sáng kiến, sáng tạo" cấp cơ sở, 12.269 lượt "Sáng kiến, sáng tạo" cấp trên cơ sở, 781 lượt cá nhân được UBND thành phố và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội biểu dương "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô". Hàng nghìn công nhân đạt thợ giỏi qua các hội thi thợ giỏi do thành phố Hà Nội phối hợp với Công đoàn tổ chức...

Nét đặc trưng của hầu hết các cá nhân đạt danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô" là những người cần cù lao động, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt để tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị cao; quan tâm chăm lo bồi dưỡng, kèm cặp, truyền thụ kinh nghiệm quý báu cho những thế hệ công nhân kế tiếp.

*Nhân lên khát vọng được cống hiến

Năm 2023, phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô" tiếp tục lan tỏa, phát huy được trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ công nhân và trở thành phong trào hành động cách mạng của tổ chức Công đoàn. Hàng trăm nghìn tấm gương "Công nhân giỏi" các cấp hiện hữu trên mọi lĩnh vực, ở tất cả các lứa tuổi được tôn vinh xứng đáng.

Trong số 100 "Công nhân giỏi Thủ đô" năm 2023 được Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội vinh danh trong Tháng Công nhân năm nay, Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đóng góp 23 tấm gương điển hình. Đó là những "Công nhân giỏi": Nguyễn Công Hoan, Đặng Việt Hưng, Trần Văn Sơn (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yamaha Motor Việt Nam); Phạm Thanh Tùng, Nguyễn Hải Đăng (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Denso Việt Nam); Nguyễn Hữu Tự (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toho Việt Nam); Nguyễn Tường Phượng, Trần Văn Tiềm (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Canon Việt Nam)....

Điển hình trong phong trào thi đua "Lao động giỏi" phải kể đến tấm gương "Công nhân giỏi Thủ đô" Đặng Thanh Hải (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Sei Việt Nam). Với niềm đam mê công việc và tinh thần trách nhiệm cao, năm 2022, anh Hải đạt nhiều danh hiệu trong thi đua cải tiến tăng năng suất lao động; đạt giải Nhất Hội thi Group activity toàn công ty với chủ đề "Cải thiện hiệu suất máy dán SUS tự động", làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng.

Anh Nguyễn Tuấn Anh - công nhân tiện bậc 5/7, Công ty Cổ phần dụng cụ cơ khí xuất khẩu. Với công việc đa năng ở những vị trí khác nhau, anh Nguyễn Tuấn Anh có nhiều cải tiến trong quá trình làm việc, sử dụng thành thạo máy tiện, sản xuất các chi tiết có độ phức tạp và chính xác cao để cho ra những sản phẩm hoàn hảo. Nhờ sự tận tụy, trách nhiệm, 6 năm liền anh đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp công ty, đạt nhiều giải cao tại các kỳ thi thợ giỏi do thành phố và Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội tổ chức.

Là một trong 3 kỹ sư được cấp chứng chỉ tay nghề quốc tế của Công ty Cổ phần Tomeco An Khang (thuộc Liên đoàn Lao động huyện Quốc Oai), anh Nguyễn An Ngọc, Tổ trưởng tổ hàn 2 không ngừng cố gắng, nỗ lực mỗi ngày để trau dồi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề. Đối với anh Ngọc, dù trong công việc và cuộc sống gặp không ít áp lực khó khăn, nhưng anh luôn điều tiết bản thân giữ tinh thần lạc quan, hướng tới những điều tốt đẹp. Anh luôn vận dụng kiến thức đã học trong trường nghề, sắp xếp quỹ thời gian hợp lý để tham gia các khóa đào tạo kỹ năng tay nghề; vừa học, vừa quan sát, vừa làm để có thể tiếp cận máy móc, thiết bị mới nhất hiện nay.

"Nếu có cơ hội, tôi luôn phấn đấu làm tốt nhất công việc được giao, tích cực tham gia các hội thi thợ giỏi của doanh nghiệp, huyện và thành phố. Đó chính là cơ hội để công nhân được học hỏi, rèn luyện thêm tay nghề. Khi giỏi nghề, chúng tôi sẽ có công việc ổn định với mức thu nhập cao, đồng thời cũng đóng góp hữu ích cho sự phát triển của công ty", anh Nguyễn An Ngọc bày tỏ.

Trong số công nhân tiêu biểu của ngành may, anh Phan Quang Hội, nhân viên thiết kế mẫu thời trang Công ty Cổ phần may mặc QTnP (quận Long Biên) là một tấm gương tiêu biểu không ngừng nâng cao tay nghề, sáng tạo trong thiết kế. Anh được đồng nghiệp và lãnh đạo công ty đánh giá cao với các mẫu cắt, may chuẩn xác, được khách hàng tín nhiệm. Tám năm làm việc tại công ty, anh Hội luôn thể hiện tình yêu nghề, tinh thần say mê, trách nhiệm cao.

Khi được giao nhiệm vụ thiết kế mới cho bộ sưu tập của khách hàng trong và ngoài nước, anh Phan Quang Hội tập trung cao độ để hoàn thành tốt công việc, đảm bảo đúng tiến độ. Nhiều mẫu do anh thiết kế đã được đối tác bên Đức chọn đưa vào sản xuất đại trà. Anh định mức các mã hàng báo giá luôn sát, đưa ra cách thể hiện các họa tiết, hoa văn tiết kiệm định mức, làm lợi kinh tế cho công ty.

Anh Lê Xuân Đương - công nhân tiện vạn năng bậc 6/7 (Công ty Cổ phần điện cơ Thống Nhất) là một trong những gương mặt "Công nhân giỏi Thủ đô" tiêu biểu năm 2023. Với anh, niềm vui chính là đam mê trong công việc, là khát vọng được cống hiến và sáng tạo; nghiên cứu các phương án gia công có tính ứng dụng cao, phục vụ tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Gắn bó với nghề đã được 21 năm, nhưng ngay từ những ngày đầu đi làm, anh Lê Xuân Đương đã cần mẫn, nhanh chóng học hỏi kinh nghiệm từ một số người làm nghề lâu năm và từ những khóa đào tạo do công ty tổ chức. Anh cũng thường xuyên chia sẻ với đồng nghiệp để tìm ra phương pháp tối ưu, tích cực nhất, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn và chất lượng công việc, lâu dần tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm, phát huy được năng lực bản thân.

Ở vị trí tiện vạn năng – công việc đòi hỏi kỹ thuật, độ chính xác cao, anh Đương cùng các thành viên tổ tiện gia công chế tạo các chi tiết phục vụ việc sản xuất và sửa chữa khuôn gá, sửa chữa thiết bị. Không chỉ hoàn thành công việc được giao từ những kế hoạch định sẵn, anh còn làm những việc khó, đột xuất, vượt thời gian yêu cầu, phục vụ kịp thời cho sản xuất. Năng suất lao động bình quân của anh luôn đạt trên 175%, sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng. Với những cố gắng, niềm đam mê tạo ra sản phẩm chất lượng cao, anh Lê Xuân Đương nhiều năm liền đạt danh hiệu "Công nhân giỏi" cấp cơ sở; giành 2 giải (Nhì, Ba) tại Hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội và giải Nhất do ngành Công thương Hà Nội tổ chức…

Và còn nhiều "Công nhân giỏi Thủ đô" dù ở bất kỳ ngành nghề, cương vị công tác nào đều luôn gương mẫu, chịu khó, tích cực sáng tạo, có tinh thần giúp đỡ đồng nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp và thành phố.

Thời gian tới, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vừa là thời cơ, cũng là thách thức đang đặt ra cho đất nước ta nói chung và Thủ đô nói riêng nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn.

Để thúc đẩy hơn nữa phong trào thi đua đạt danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô", Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết, từ yêu cầu thực tế đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của mỗi cán bộ Công đoàn, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; trong đó, tập trung vào những mục tiêu, giải pháp cụ thể hướng về cơ sở.

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp Công đoàn đẩy mạnh tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp, thường xuyên đổi mới phương thức, nội dung tổ chức phong trào thi đua cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị, doanh nghiệp, tập hợp thu hút được đông đảo công nhân viên chức, lao động tham gia.

Cùng với đó, các đơn vị phải gắn phong trào thi đua yêu nước với việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Đồng thời, tôn vinh khen thưởng kịp thời và có chính sách ưu tiên đầu tư, hỗ trợ các điển hình tiên tiến; tổ chức học tập, nhân rộng các gương điển hình nhằm tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô", tạo sức lan tỏa trong đội ngũ công nhân lao động./.


PV

Tin liên quan

Xem thêm