Thành công bước đầu từ mô hình nuôi rươi bán tự nhiên tại xã Chất Bình (huyện Kim Sơn) đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa tại địa phương.
TTXVN - Cứ vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch khi có thủy triều lên xuống, người dân ở các xã vùng ven, cửa sông tỉnh Ninh Bình lại đến mùa thu hoạch rươi. Nghề nuôi và khai thác rươi ở đây đang mang lại thu nhập cao cho nông dân địa phương. Tuy nhiên hiện nay, nghề này vẫn còn phụ thuộc vào tự nhiên, chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có.
* Thành công từ nuôi bán tự nhiên
Nhận thấy những ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng đất đai và con nước của địa phương kết hợp với việc tìm hiểu, nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm nuôi rươi từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, năm 2009, gia đình ông Phạm Văn Xuyền (xã Khánh Công, huyện Yên Khánh) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém năng suất sang mô hình nuôi rươi với mong ước làm giàu từ mảnh đất quê hương.
Gia đình ông Xuyền đã đầu tư thuê máy móc về cải tạo bãi rươi, tạo chất mùn cho đất, tiến hành đắp tôn cao bờ bao, hệ thống kênh mương, cửa cống… Ông Xuyền cho biết, tuy nuôi rươi không cần quá nhiều kỹ thuật phức tạp nhưng con rươi rất nhạy cảm với hóa chất, ô nhiễm môi trường, do đó cần đảm bảo về nồng độ oxy, độ mặn, độ pH, nước trong đầm luôn sạch để có hệ sinh thái tốt nhất cho rươi sinh trưởng.
Rươi có tập tính sống trong hang dưới bùn và chỉ xuất hiện vào những thời kỳ nhất định trong năm; bởi vì chịu ảnh hưởng của thủy triều, thời tiết, tuần trăng, nhiệt độ, độ mặn và nhiều yếu tố sinh thái khác. Vì vậy, thu hoạch rươi rải rác từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch; đặc biệt vào thời điểm "tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mùng năm" (ngày 20/9 và 5/10). Rươi ở thời gian này thường rất đều con, to, thịt chắc, đỏ và vị đậm ngọt. Ông Xuyền cho biết, với kinh nghiệm 14 năm trong nghề, đến nay, bãi rươi nhà ông được nhiều người biết đến về chất lượng sản phẩm với sản lượng từ 2 - 3 tấn rươi/năm với giá từ 300 - 500 nghìn đồng/kg.
Ông Đỗ Gia Hiểu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Công (huyện Yên Khánh) cho biết, trên địa bàn hiện có khoảng 10 ha đầm bãi, ven sông được người dân cải tạo để nuôi và khai thác rươi. Sản lượng thu hoạch khoảng 20 tấn/năm. Kết quả này là nhờ trong nhiều năm người dân địa phương không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học để phun lúa mà lựa chọn sử dụng phân hữu cơ. Vì vậy, nghề nuôi rươi ở Khánh Công không những chỉ tạo ra nguồn lợi kinh tế lớn mà còn bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái ven sông.
Không chỉ ở Khánh Công, thành công bước đầu từ mô hình nuôi rươi bán tự nhiên tại xã Chất Bình (huyện Kim Sơn) cũng đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa tại địa phương.
Trước đây, rươi chỉ có thể khai thác tự nhiên ở vùng ven bãi trên địa bàn xã. Tuy nhiên để đảm bảo chất lượng và tăng năng suất khai thác, người dân đã chuyển sang phương pháp nuôi rươi bán tự nhiên. Đó là sử dụng nguồn giống nhân tạo nuôi thả trong môi trường tự nhiên, ngoài nguồn thức ăn có sẵn trong môi trường sống, người nuôi vẫn bổ sung thêm thức ăn cho rươi sinh trưởng và phát triển.
Triển khai thử nghiệm mô hình ứng dụng công nghệ sinh học nuôi rươi nhân tạo trên ruộng lúa hữu cơ với diện tích 600 m2 tại xã Chất Bình, từ năm 2019, ông Trương Hải Lưu cho biết, doanh thu từ con rươi đạt giá trị kinh tế khoảng 15 - 20 triệu đồng/sào. Qua đánh giá bước đầu, mô hình nuôi rươi đã thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Tuy nhiên, mong mỏi lớn nhất của các chủ đầm là có được nguồn giống chủ động phục vụ cho nuôi rươi thương phẩm nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả.
* Nhiều tiềm năng để phát triển
Trước đây, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, người dân chỉ thu hoạch rươi tự nhiên bằng việc tận dụng nguồn ấu trùng rươi từ sông vào đồng ruộng qua các con nước thủy triều. Tuy nhiên, chất lượng và số lượng rươi không cao. Gần đây, người dân đã mạnh dạn chuyển sang nuôi rươi bán tự nhiên cho hiệu quả và năng suất cao hơn. Hiện nay, mô hình nuôi rươi bán tự nhiên đang được triển khai tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như: huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô…
Ông Phạm Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Khánh Công (huyện Yên Khánh) nhận định, thực tế ở Ninh Bình, diện tích đất ngoài đê để khai thác rươi còn nhiều tại các địa phương nên cần có sự vào cuộc của ngành chuyên môn để nghiên cứu, điều tra, đánh giá đặc điểm, chất đất, nguồn nước của từng vùng, xác định rõ những khu vực có tiềm năng làm rươi để đưa vào quy hoạch. Trên cơ sở đó, các địa phương có những cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ người dân. Mô hình này được triển khai thành công sẽ là một hướng phát triển kinh tế mới đem lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân, cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Việc phát triển nuôi rươi kết hợp canh tác lúa hữu cơ tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao; từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa cung cấp sản phẩm rươi có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sản phẩm gạo hữu cơ. Qua đó, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương, hướng tới phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Với ưu điểm ít rủi ro, đầu tư thấp, lợi nhuận cao, nuôi rươi đang là hướng đi mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
- Từ khóa:
- Ninh Bình
- tiềm năng
- vùng nuôi rươi Ninh Bình