Điểm tựa của người lao động khu vực phi chính thức: * Bài 1: Nghiệp đoàn - Mái nhà chung
Phát triển đoàn viên, thành lập Nghiệp đoàn là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tập trung thực hiện.
TTXVN - Phát triển đoàn viên, thành lập Nghiệp đoàn là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tập trung thực hiện với đa dạng các lĩnh vực ngành nghề để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Phóng viên Thông Tấn xã Việt Nam thực hiện chùm hai bài viết xoay quanh các hoạt động của đoàn viên khu vực phi chính thức, xây dựng Nghiệp đoàn vững mạnh.
Bài 1: Nghiệp đoàn - Mái nhà chung
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, người lao động có lúc vừa là chủ, vừa là người làm thuê, người làm công; xu hướng việc làm, cơ cấu nghề nghiệp, nhu cầu công việc của người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng thay đổi và hình thành nhóm người lao động thuộc khu vực phi chính thức.
* Kết nối những hoàn cảnh khó khăn
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 152 Nghiệp đoàn với hơn 7.000 đoàn viên đang lao động, làm việc ở đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề như: phụ giúp việc nhà, bốc xếp, chạy xe ôm truyền thống, xe ôm công nghệ, giáo viên Mầm non, xây dựng… Hầu hết, họ đều có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có cả người thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Chị Trịnh Ngọc Trân (ngụ Phường 16, Quận 8) là thành viên nữ duy nhất ở Nghiệp đoàn bốc vác chợ Bình Tây ( Liên đoàn Lao động Quận 6) từ năm 1986 đến nay. Công việc mỗi ngày của chị bắt đầu từ 5 giờ ở chợ để kịp bốc xếp, vận chuyển hàng hóa từ các chuyến xe miền Tây lên giao cho tiểu thương trong chợ. Hoàn cảnh khó khăn, chị Trân học hết lớp 4 đã đi làm để phụ giúp gia đình và theo nghề bốc vác ở chợ Bình Tây hơn 37 năm.
“Trước đây, mỗi ngày bốc vác kiếm hơn 170.000 đồng. Giờ nhiều khó khăn, hàng hóa ế ẩm, cả ngày chỉ được từ 70.000 - 80.000 đồng. Nhờ sự hỗ trợ từ chính sách hộ nghèo của địa phương, tổ chức Công đoàn, Nghiệp đoàn cùng anh chị em trong Ban Quản lý chợ Bình Tây giúp gia đình vượt khó…”, chị Trân chia sẻ.
Cuộc sống tuy vất vả, song hầu hết những người lao động bốc vác nơi đây cũng tạm bằng lòng. Chị Trân mong có chút vốn để bán thêm vé số; sửa chữa ngôi nhà 24 m2 đang xuống cấp.
Chia sẻ nhiều hoàn cảnh tương tự chị Trân, anh Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Nghiệp đoàn bốc vác chợ Bình Tây cho biết, Nghiệp đoàn hiện có 5 tổ với 64 thành viên hoạt động khá nề nếp. Nghiệp đoàn đã phối hợp cùng lực lượng bảo vệ ở 5 cổng nhằm đảm bảo hàng hóa cho tiểu thương; đồng thời, tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy, giữ gìn an ninh trật tự, tham gia bắt nhiều vụ trộm, cướp được địa phương khen thưởng. “Từ khi thành lập đến nay, đoàn viên Nghiệp đoàn ngày càng có ý thức về pháp luật và trách nhiệm hơn trong công việc của mình. Nhiều người trong số họ mong được vay vốn để làm thêm, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo”, anh Nguyễn Thanh Phong chia sẻ.
Anh Hoàng Văn Quang (Đội trưởng đội xe ôm tự quản tại Ga Sài Gòn hơn 20 năm) nhìn nhận, từ khi thành lập Nghiệp đoàn đến nay, mọi hoạt động tại bến bãi đều tốt hơn. Anh em lao động đoàn kết, gắn bó, san sẻ, mời gọi khách hàng. Đặc biệt, họ ý thức, trách nhiệm hơn trong việc đưa đón, giữ gìn bảo vệ tài sản cho khách; tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường khu vực Ga Sài Gòn.
“Dãi nắng, dầm mưa nhiều năm, nghề xe ôm của anh cùng với nghề buôn bán của vợ đã giúp gia đình đủ nuôi hai con ăn học đến khi trưởng thành. Đến lúc đời sống ổn định, tuổi tác đã cao, sức khỏe giảm dần, việc chạy xe ôm dần vắng khách. Nguyên nhân một phần do dịch bệnh, cuộc sống khó khăn, nhiều xe công nghệ mới ra đời và nhiều người chuyển sang máy bay giá rẻ khiến Ga Sài Gòn ngày càng vắng khách. Cả năm, anh chỉ chạy được sau mấy ngày Tết, những ngày sau hè. Những tháng còn lại chỉ có khách trong khoảng thời gian từ 4 - 8 giờ ”, anh Quang chia sẻ.
Công việc của hầu hết đoàn viên Nghiệp đoàn đơn thuần là lao động chân tay, lao động phổ thông. Một số ngành nghề truyền thống cần quen việc hoặc sơ cấp nghề. Tuy đơn giản nhưng công việc này đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, nhất là sức khỏe bởi họ làm công nhật, sản phẩm hoặc tính theo ngày, giờ.
* Ngôi nhà thứ hai
Thành phố Hồ Chí Minh có hàng trăm Nghiệp đoàn được thành lập với nhiều thuận lợi, khó khăn. Nniều Nghiệp đoàn đã hình thành từ cách đây hơn 50 năm; từ đó, hình thành điểm kết nối giữa các thế hệ, giữ gìn, phát huy truyền thống ngành nghề. Ông Trần Đệ, Chủ tịch Nghiệp đoàn nhạc Triều Quần (tại 14D Phan Huy Chú, Phường 10, Quận 5, thuộc Liên đoàn Lao động Quận 5) cho biết, Nghiệp đoàn được thành lập từ trước năm 1945 với tên gọi Hội nhạc Triều Quần. Đây là nơi hội tụ của những đầu bếp gốc Hoa xa xứ tụ tập sau giờ làm để vui chơi, giải trí hòa chung những khúc nhạc nhớ nhà.
Trong nhiều thập kỷ qua, Nghiệp đoàn nhạc Triều Quần đã quy tụ nhiều người biết chơi nhạc cổ, thu hút hàng trăm thành viên tham gia. Hoạt động của Nghiệp đoàn trên cơ sở đóng góp của các gia đình hội viên (được phục lại khi có hiếu hỉ) và các dịp lễ, Tết hoặc sự kiện trọng đại của gia đình có yêu cầu. “Tuy nhiên, gần đây, cuộc sống ngày càng khó khăn khiến việc thu hội phí không đủ trang trải chi phí cho việc may, sắm quần áo, trang phục, nhạc cụ, kinh phí cho đoàn nhạc thực hiện nghi lễ. Cùng với vận động tài trợ, nhiều thành viên đã phải bươn chải chạy xe ôm công nghệ, làm thợ hồ, thợ nấu bếp…”, ông Trần Đệ chia sẻ.
Sức khỏe giảm, đi đứng khó khăn, ông Trần Đệ mong muốn có người thay thế để quản lý, học và chơi nhạc lễ; có giải pháp tạo kinh phí hoạt động, nhất là chăm lo đời sống, tạo việc làm cho anh em để tiếp tục duy trì đoàn nhạc có tuổi đời gần 80 năm.
Theo bà Lê Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận 5 (Thành phố Hồ Chí Minh), Nghiệp đoàn nhạc Triều Quần được thành lập từ trước năm 1998 hoạt động theo hình thức tự quản, luôn đoàn kết, chăm lo cho nhau và được nhiều tỉnh, thành phố phía Nam biết đến. “Ngoài việc phục vụ các nghi lễ, lễ nhạc trong hội đoàn, các ngày lễ lớn của Quận 5, Nghiệp đoàn nhạc Triều Quần còn thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội thiện nguyện giúp người nghèo. Đặc biệt, trải qua dịch bệnh và những tác động từ suy thoái kinh tế khiến nhiều người trong số họ càng khó khăn, song họ vẫn nỗ lực cố gắng đùm bọc và san sẻ cho những người khó khăn...”, bà Lê Thị Bích Hạnh chia sẻ.
Với nhiều người, Nghiệp đoàn còn là ngôi nhà thứ hai. Bởi trải qua năm tháng gắn bó với nghề, Nghiệp đoàn đã giúp họ có cuộc sống ổn định hơn. Ông Võ Anh Kiệt ở Nghiệp đoàn xe ôm phường Tân Định, Quận 1 đã hơn 12 năm chở khách, giao hàng cho các tiểu thương. “Chiếc áo đồng phục Nghiệp đoàn xe ôm phường Tân Định đã giúp các tiểu thương chợ Tân Định yên tâm hơn khi gửi hàng cho tôi và các anh em khác đi giao rồi thu tiền sau. Đồng thời, giúp tôi tự tin hơn, trách nhiệm hơn để đảm bảo công việc, cuộc sống ổn định”, ông Kiệt chia sẻ.
Ông Võ Anh Dũng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm Quận 1 cho biết, thành viên Nghiệp đoàn đều khó khăn nhưng rất đoàn kết. Họ luôn chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống cũng như những lúc khó khăn, hoạn nạn. Từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống đã khơi dậy trong mỗi người sự đồng cảm, thương yêu, đùm bọc, nhất là khi mọi người đều trải qua COVID-19 nhiều khó khăn. Mỗi đoàn viên Nghiệp đoàn ngày càng ý thức hơn trong việc giữ "chén cơm, manh áo" thông qua công việc hàng ngày.