Thể thao

Diễn đàn kinh tế thể thao 2023

Hà Nội

Đây là lần đầu tiên Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam được tổ chức với chủ đề chính xoay quanh vấn đề dòng tiền trong kinh tế thể thao với trung tâm là các giải đấu thể thao. 



Quang cảnh Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam 2023. (Ảnh: Ngọc Bích/TTXVN)

TTXVN - Ngày 3/6, tại Hà Nội, Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Olympic Việt Nam và Công ty Vietcontent tổ chức Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam năm 2023 - Vietnam Sport Economy Summit 2023. Đây là lần đầu tiên diễn đàn được tổ chức tại Việt Nam. Chủ đề chính của năm nay tập trung thảo luận xoay quanh vấn đề dòng tiền trong kinh tế thể thao với trung tâm là các giải đấu thể thao. 

Ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao chia sẻ, trên thế giới, thể thao ở nhiều nước đã trở thành một ngành nghề trong hệ thống kinh tế. Kinh tế thể thao là cỗ máy đồ sộ, liên kết với nhiều ngành nghề sản xuất, dịch vụ khác, tạo việc làm, lợi nhuận, thu nhập, đóng góp khoản thuế đáng kể cho ngân sách quốc gia và tạo ra các giá trị xã hội tích cực. Vấn đề toàn cầu hóa của ngành công nghiệp thể thao ngày càng phát triển nhanh chóng ở nhiều lĩnh vực kinh doanh thể thao khác nhau.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt (bên phải) chia sẻ tại diễn đàn. (Ảnh: Việt Anh/TTXVN)

Tại Việt Nam, kinh tế thể thao còn là lĩnh vực khá mới. Tổng cục trưởng Đặng Hà Việt đề cập đến việc thể thao Việt Nam đã có nhiều thay đổi để phù hợp cơ chế thị trường. Tuy nhiên còn những nút thắt của việc phát triển thể thao tại Việt Nam, trong đó ông Đặng Hà Việt nhấn mạnh tới chính sách có liên quan đến cơ sở vật chất dành cho thể thao, vướng mắc cơ chế đấu thầu đầu tư cho các giải thể thao...Hiện thể thao Việt Nam vẫn sống bằng ngân sách nhà nước, việc này vừa là gánh nặng cho ngân sách, vừa hạn chế thể thao phát triển do nguồn lực đầu tư cho thể thao ở Việt Nam chưa nhiều. Việt Nam cần phát triển thể thao theo hướng xã hội hóa và kinh tế thể thao đem lại đóng góp nhiều hơn cho GDP, từ nguồn thu này, thể thao sẽ tự tái đầu tư để phát triển mạnh mẽ hơn.

Các đại biểu chia sẻ tại Diễn  đàn Kinh tế Thể thao 2023. (Ảnh: Việt Anh/TTXVN)

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng, Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, Đảng và nhà nước luôn quan tâm đến thể thao. Từ sau năm 1945, Việt Nam đã có chủ trương, chính sách dành cho thể thao. Trong điều kiện hiện nay, để phát triển ngành kinh tế thể thao cần có nhiều thay đổi nhưng tất cả đều xuất phát từ chủ trương, chính sách của nhà nước. Đây là điều kiện, căn cứ để xây dựng thể chế, cơ chế hợp lý thúc đẩy thể thao phát triển.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ mong muốn, trong tương lai, Việt Nam sẽ xác định thể thao là ngành kinh tế quan trọng, thay vì quan điểm thể thao là giải trí để có sự thay đổi tư duy định hướng phát triển thể thao, từ đó thay đổi hành động của các cấp, ngành, doanh nghiệp, đơn vị liên quan và toàn dân nhằm phát triển thể thao, kinh tế thể thao.

Hiện nay, Việt Nam nhìn chung được đánh giá vẫn nằm trong trong vùng chậm phát triển nền công nghiệp thể thao. Việt Nam vẫn coi thể thao là ngành giải trí, chưa phải là ngành kinh tế. Vì vậy, Việt Nam cần học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, gấp rút thay đổi, tăng tốc để không tụt hậu và xây dựng được nền công nghiệp, kinh tế thể thao vừa phù hợp điều kiện chính sách, nguồn lực xã hội hóa nhưng cũng phải thích nghi, bắt nhịp xu hướng phát triển công nghiệp, kinh tế thể thao nói chung của khu vực, châu lục và thậm chí thế giới.

Trong khuôn khổ diễn đàn diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên đề về “Kinh doanh thể thao và vai trò trung tâm trung tâm của giải đấu”; “Giải đấu thể thao chuyên nghiệp và những vấn đề liên quan” và “Giải đấu thể thao phong trào, thể thao học đường và những vấn đề liên quan”.

Thông qua phiên thảo luận, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan lắng nghe, tiếp thu chia sẻ, góp ý về vấn đề lớn trong quản lý, xây dựng, thiết lập nền kinh tế thể thao, đặc biệt với vấn đề mới mảng kinh doanh bản quyền thể thao, sổ số thể thao… Nhiều chuyên gia nước ngoài chia sẻ về xây dựng định hướng, tầm nhìn cho phát triển thể thao, phát triển thể thao cộng đồng…Đây là cách cơ quan quản lý nhà nước đồng hành cùng các hội thể thao quốc gia, doanh nghiệp, đơn vị trong ngành thể thao để cùng tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa thể dục thể thao. Những yếu tố này là cơ sở quan trọng để Việt Nam có thể xây dựng được nền kinh tế thể thao vũng chắc, hiện đại, cởi mở./.


Ngọc Bích

Tin liên quan

Xem thêm