Công tác dư luận xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trở thành nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
TTXVN - Chiều 7/3, Tỉnh ủy An Giang tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư khóa XI về việc “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”; sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trịnh (khóa XII) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” và Tổng kết hoạt động Ban Chỉ đạo 35 tỉnh An Giang năm 2023.
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng yêu cầu, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư; Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị với những cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo, đột phá, từng bước đưa công tác nắm bắt dư luận xã hội trở thành nhiệm vụ thường xuyên, nền nếp.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nêu rõ nhiệm vụ tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác dư luận xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; xem công tác dư luận xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trở thành nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Các cấp ủy, chính quyền tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp thực hiện công tác nắm bắt dư luận xã hội đáp ứng yêu cầu mới gắn với thực tiễn đời sống người dân; quan tâm xây dựng, củng cố đội ngũ làm công tác dư luận xã hội và đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội các cấp; lựa chọn, bố trí những cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Đặc biệt, chú trọng cán bộ có trình độ chính trị, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, am hiểu về kiến thức xã hội, tâm lý, kiến thức thống kê; có trách nhiệm và khả năng nắm bắt, xử lý thông tin; có khả năng đối thoại, thuyết phục, giải thích và định hướng thông tin đối với dư luận xã hội, kịp thời giải quyết những vấn đề, vụ việc gây bức xúc trong nhân dân, hạn chế vấn đề phát sinh gây điểm nóng…
Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư (khóa XI), 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), việc triển khai thực hiện chương trình công tác của Ban Chỉ đạo 35 tỉnh An Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội trong tình hình hiện nay. Với phương châm “kịp thời, nhanh chóng, thực chất, sát với cơ sở”, công tác nắm bắt dư luận xã hội được triển khai sáng tạo, phương pháp, cách thức phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, phát hiện kịp thời các vấn đề bức xúc trong cộng đồng từ khi mới phát sinh.
Tại hội nghị, đại biểu đã dành thời gian báo cáo, thảo luận, phân tích về công tác đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới với những cách làm hay, hiệu quả; những kinh nghiệm, hạn chế, khó khăn và kiến nghị các giải pháp để nâng cao chất lượng, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trong thời gian tới...
Dịp này, 15 tập thể, 16 cá nhân đạt thành tích xuất sắc được nhận Bằng khen của Tỉnh ủy và UBND tỉnh An Giang./.