Đồng Hỷ đặc biệt chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn, góp phần giảm áp lực đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho người dân.
TTXVN - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) có 12/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó hai xã Hóa Trung và Văn Hán đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Minh Lập đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn huyện hiện chỉ còn xã Văn Lăng mới đạt 12/19 tiêu chí xã nông thôn mới.
Theo kế hoạch đề ra, trong năm 2023, Đồng Hỷ tập trung nguồn lực để xây dựng xã Hóa Trung đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, xã Nam Hòa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến năm 2024, huyện xây dựng xã Văn Lăng đạt chuẩn nông thôn mới và xã Khe Mo đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới ...
Để hoàn thành các mục tiêu này, với thế mạnh về trồng chè, trồng rừng và chăn nuôi, huyện Đồng Hỷ tập trung mở rộng, nâng tổng diện tích trồng chè toàn huyện lên trên 3.900 ha, trong đó chè kinh doanh hơn 3.700 ha, sản lượng đạt trên 40.800 tấn/năm, diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGAP là hơn 560 ha. Cùng với các vùng sản xuất, thâm canh chè lớn, có truyền thống như Minh Lập, Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ đang tập trung phát triển ngành chè tại các xã Văn Hán, Khe Mo, Hóa Trung, Hòa Bình, Văn Lăng, Nam Hòa... Việc phát triển cây chè, sản phẩm trà đặc sản được thực hiện với chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" - OCOP.
Bắt đầu triển khai từ năm 2019, đến nay, chương trình OCOP đã cho thấy hiệu quả thiết thực, các hình thức sản xuất, kinh doanh sản phẩm đậm chất truyền thống có tiềm năng phát triển được khai thác và phát huy. Hiện toàn huyện có 36 sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao, trong đó có một sản phẩm 5 sao cấp quốc gia là sản phẩm miến Việt Cường của HTX miến Việt Cường. Bên cạnh đó, 28 sản phẩm trà của Đồng Hỷ được cấp giấy chúng nhận sản phẩm OCOP, tiêu biểu là sản phẩm trà của các HTX có tên tuổi trên thị trường như các HTX Tuyết Hương, Thịnh An, chè Nguyên Việt, chè Thái Minh.... Nhờ vậy, Đồng Hỷ trở thành địa phương đi đầu trong tỉnh Thái Nguyên về số lượng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Cùng với thế mạnh về cây chè, Đồng Hỷ có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp rất lớn với diện tích đất rừng lên tới hơn 23.300 ha, chiếm trên 50% tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện, độ che phủ rừng đạt trên 48%. Với tiềm năng rất lớn về phát triển kinh tế lâm nghiệp, Đồng Hỷ luôn xác định phát triển kinh tế rừng bền vững là ngành kinh tế mũi nhọn. Huyện vận động, hỗ trợ người dân trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng, nâng cao chất lượng rừng trồng, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trồng rừng gỗ lớn theo hướng thâm canh, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn.
Đến nay, huyện đã đề xuất cơ quan có thẩm quyền đánh giá cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) cho hơn 1.300 ha tại xã Văn Hán. Đồng Hỷ còn thúc đẩy phát triển chăn nuôi với 115 trang trại, trong đó có 17 trang trại chăn nuôi lợn, 89 trang trại chăn nuôi gia cầm, 3 trang trại chăn nuôi trâu, bò và 6 trang trại chăn nuôi kết hợp. Hiện 8 trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP...
Trong phát triển kinh tế - xã hội, Đồng Hỷ đặc biệt chú trọng đến việc thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn, góp phần giảm áp lực đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho người dân, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, thương mại, dịch vụ, sản xuất kinh doanh và đóng góp vào ngân sách của địa phương. Hiện nay, toàn huyện có 78 dự án đầu tư ngoài ngân sách đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó có Dự án chăn nuôi lợn, gà công nghệ cao kết hợp trồng cây lâu năm và sản xuất phân vi sinh tại xã Minh Lập với tổng diện tích đất sử dụng hơn 300 ha, tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng; Dự án chăn nuôi công nghệ cao tại xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến với diện tích đất sử dụng 45,58 ha và tổng vốn đầu tư là 229 tỷ đồng; Dự án Nhà máy trà Kombucha với tổng vốn đầu tư hơn 26 tỷ đồng...
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ, với thế mạnh về trồng chè, trồng rừng và chăn nuôi, Đồng Hỷ chủ trương mời gọi các nhà đầu tư thực hiện đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến chuyên sâu về lâm sản, thu hút các dự án công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp. Cùng với đó, huyện ưu tiên phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thu hút nhiều lao động và thân thiện với môi trường; du lịch sinh thái trải nghiệm; xây dựng nhà máy xử lý, tái chế chất thải công nghệ cao không tác động đến môi trường… với định hướng phát triển huyện Đồng Hỷ trở thành một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch nghỉ dưỡng và đảm bảo đầy đủ các tiêu chí để trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025./.