Đến nay, tỉnh Quảng Ninh cơ bản đạt 8/8 nội dung theo Bộ tiêu chí quốc gia tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
TTXVN - Quảng Ninh đặt mục tiêu năm 2023 có thêm hai xã đạt chuẩn nông thôn nâng cao (Quảng La, Sông Khoai), hai xã nông thôn mới kiểu mẫu (Hồng Thái Tây, Quảng Minh); hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Vân Đồn, Hải Hà). Mục tiêu đến năm 2025, địa phương có 58/98 xã đạt chuẩn nông thôn nâng cao, 32/98 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 5/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu, tập trung phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập của người dân nông thôn năm 2025 cao gấp 2 lần năm 2020.
Để đạt được mục tiêu trên, theo ông Nguyễn Văn Vọng, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, tỉnh cần rà soát, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp, nhất là cấp xã; phân công trách nhiệm cho từng thành viên Ban Chỉ đạo và gắn trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức tham gia thành viên Ban Chỉ đạo các cấp. Địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo các cấp để chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở; phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; triển khai tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ xây dựng nông thôn mới.
Quảng Ninh đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2022; rà soát, đánh giá thực trạng từng xã để bổ sung, nâng chất đảm bảo đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu; huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.
Tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư, hoàn thiện bàn giao đưa vào sử dụng các công trình, dự án đã được bố trí vốn kế hoạch năm 2023; triển khai có hiệu quả nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất; thực hiện lồng ghép đảm bảo có hiệu quả nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với các nguồn vốn hợp pháp khác trên tất cả các xã.
Địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện hiệu quả chương trình, dự án trên địa bàn; chú trọng thực hiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân; quan tâm xây dựng, chỉnh trang cảnh quan môi trường nông thôn; đẩy mạnh thực hiện và giải ngân ngồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện chương trình.
Tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực, chỉ đạo dứt điểm, quyết liệt đối với các xã theo kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023; rà soát, nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn; đa dạng các nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới...
Đến hết tháng 5/2023, Quảng Ninh có 98/98 xã đạt 19/19 tiêu chí và 57/57 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 (xã đạt chuẩn nông thôn mới); có 54/98 xã đạt 19/19 tiêu chí và 75/75 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; có 26/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025; 7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 6 thành phố, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; hai huyện (Đầm Hà, Tiên Yên) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đến nay, tỉnh đã cơ bản đạt 8/8 nội dung theo Bộ tiêu chí quốc gia tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Quảng Ninh hiện đang lập hồ sơ đề nghị xét công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2022./.