Xã hội

Đồng lòng hiến đất xây dựng đường giao thông ở Lào Cai

Lào Cai

Được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đồng thời hỗ trợ vật liệu xây dựng, bà con nhiều thôn, xóm trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã tin tưởng và tự nguyện hiến đất, góp công, để làm đường giao thông.

Người dân xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng đồng lòng hiến đất để mở rộng đường nông thôn. (Ảnh: Hương Thu/TTXVN)

TTXVN - “Tấc đất, tấc vàng”, giữa điệp trùng rừng núi hay những nơi địa hình hiểm trở, thiếu đất sản xuất như ở Lào Cai thì với người nông dân, đất càng trở nên vô giá. Bởi vậy, để có được sự đồng lòng hiến đất của người dân là cả một câu chuyện dài trên hành trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

*"Mình phải nhìn xa hơn..."

Thôn Ải Nam vốn là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống, một trong những địa bàn xa xôi, khó khăn, nhất là về đường giao thông và tỷ lệ hộ nghèo cao của thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng. Để phát triển kinh tế, xóa nghèo nhanh và bền vững, thị trấn Phong Hải tập trung “đột phá” làm đường giao thông nông thôn, tạo “mạch máu” lưu thông, thúc đẩy nuôi trồng cây, con phù hợp theo hướng hàng hóa, giao thương thuận lợi để tăng giá bán và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Cùng người dân trực tiếp đổ 2,5km bê tông đoạn đường liên gia đến 9 hộ dân cuối cùng ở khu Đồi chè, Trưởng thôn Cư Seo Mười cho biết: "Còn nhớ trước đây, các hộ dân ở vùng núi cao vẫn phải băng rừng xuống chợ qua những con đường mòn dốc núi, đau lòng nhất là những người bị ốm đau, côn trùng độc cắn... khi xuống đến cơ sở y tế thì bệnh nhân đã trong tình trạng quá muộn".

Được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đồng thời hỗ trợ xi măng, cát, đá, bà con trong thôn Ải Nam đã tin tưởng và tự nguyện hiến đất, góp công để làm 7,5km đường giao thông. Đến nay thôn đã cứng hóa toàn bộ hệ thống đường trục thôn và đường đến từng hộ của thôn Ải Nam, việc đi lại thuận tiện, dễ dàng. Bà con trồng chè, nuôi gà đen bản địa, làm du lịch sinh thái để tăng thu nhập, xóa nghèo, vươn lên khá giả. Cả thôn giờ không còn hộ đói, thu nhập đầu người đạt từ 30-40 triệu đồng/người/năm.

Người dân tham gia làm đường giao thông nông thôn ở xã Quang Kim, huyện Bát Xát. (Ảnh: Hương Thu/TTXVN)

Ghé qua xã Gia Phú, đi trên con đường nông thôn mới vừa mới hoàn thành ông Trần Quang Khải, Bí thư Chi bộ thôn Chính Tiến phấn khởi chia sẻ: thực hiện phong trào thi đua “Phát triển đường giao thông nông thôn rộng, thoáng, an toàn”, chỉ trong vòng 2 tháng (từ tháng 6/2022-8/2022), 32 hộ dân thôn Chính Tiến đã đồng lòng hiến đất, cùng góp sức hoàn thiện mở rộng tuyến đường giao thông dài 2,4 km của thôn lên 7m nền. Tổng kinh phí đầu tư mở rộng tuyến đường là hơn 1,6 tỷ đồng; trong đó ngân sách địa phương hỗ trợ 1,281 tỷ đồng, số còn lại do người dân đóng góp.

Để có được con đường đẹp như này phải kể đến sự đồng lòng rất cao của nhân dân điển hình hộ ông Đỗ Mạnh Hùng, Đỗ Công Đĩnh, Lê Văn Dũng, Hoàng Văn Tiến, Trần Quang Khải… Đây là những hộ tích cực trong việc hiến đất làm đường, đóng góp ngày công và tiền của để làm đường. Trong số đó, Trưởng thôn Đỗ Công Đĩnh, người đã hiến hơn 1,6ha đất, chặt 600 cây quế 7 năm tuổi để mở đường giao thông chia sẻ: “Đất mình ở, sản xuất bao đời nay, nó nuôi sống mình, giờ hiến cho Nhà nước làm đường ai cũng tiếc, nhưng mình hiến một phần đất để có con đường rộng rãi, đi lại thuận lợi, rồi cuộc sống sẽ được nâng cao hơn, vậy là cái được nhiều hơn mất. Mình phải nhìn xa hơn, không thể khư khư quyền lợi ích kỷ của bản thân và gia đình”.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường làng sạch đẹp, thẳng tắp vừa mới đưa vào sử dụng, bà Vũ Thị Liên, Trưởng thôn Phú Thịnh 2, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng cho biết, thôn có 104 hộ, trước đây con đường của thôn nhỏ hẹp, trơn dốc đi lại rất khó khăn. Khi Nhà nước có chủ trương mở rộng đường, nhiều hộ dân trong thôn rất phấn khởi, bởi họ cho rằng con đường được mở rộng sẽ mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân nơi đây. Tuy nhiên cũng có không ít hộ dân lúc đầu việc vận động còn gặp khó khăn, người dân chưa đồng tình hiến đất, do vậy công tác vận động, tuyên truyền lúc đầu cũng khá nan giải.

Xác định bản thân là Đảng viên, là người đứng đầu nên phải gương mẫu đi đầu để quần chúng noi theo. Trưởng thôn Vũ Thị Liên đã tự nguyện hiến gần 5.000 m2 đất, chặt hàng trăm cây quế đã 10 năm tuổi để mở rộng con đường.

Noi gương đồng chí trưởng thôn, đã có 20 hộ dân trong thôn tình nguyện tham gia hiến trên 15 nghìn m2 đất, chặt bỏ hàng nghìn cây cối, hoa màu trên đất như quế, mỡ và san lấp ao, hồ để để hệ thống đường giao thông được hoàn thành. Nhờ vậy, con đường bê tông dài gần 1,5 cây số, mặt đường rộng 7m đã nhanh chóng được hoàn thiện, tiết kiệm được kinh phí giải phóng mặt bằng.

Nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn ở xã Quang Kim, huyện Bát Xát. (Ảnh: Hương Thu/TTXVN)

Từ năm 2011 đến nay, riêng xã Phú Nhuận đã huy động được gần 300 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Trong số đó, nhân dân đóng góp gần 80 tỷ đồng, hiến hơn 100 nghìn m2 đất và hàng chục nghìn ngày công lao động để bê tông hóa, mở rộng và làm mới trên 45 km đường giao thông nông thôn. Đặc biệt, Phú Nhuận là địa phương đầu tiên của huyện Bảo Thắng mở rộng mặt đường giao thông nông thôn từ 3,5m lên 6m.

*Thực hành dân chủ cơ sở trong xây dựng nông thôn mới

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và quan trọng nhất là sự đồng lòng, hưởng ứng của đồng bào các dân tộc Lào Cai. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước giảm rõ rệt, các hộ dân cũng nhận thức rõ việc hưởng lợi từ các chương trình và cùng chia sẻ, đóng góp để xây dựng nông thôn mới. Có được điều đó là nhờ Lào Cai đã thực hành tốt dân chủ cơ sở trong xây dựng nông thôn mới với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” .

Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường thôn Vĩ Kẽm, xã Quang Kim, huyện biên giới Bát Xát có chiều dài 734 m được mở rộng từ 1,5 m lên 3,5 m, với tổng mức đầu tư xây dựng hơn 728 triệu đồng được khởi công xây dựng tháng 12/2022. Theo khảo sát, có 14 hộ dân bị ảnh hưởng đến đất ở và tài sản trên đất. Được các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương nhấn mạnh về những lợi ích lâu dài khi đường mở rộng, các hộ dân đã đồng tình tự nguyện hiến 3.000 m2 đất nương đồi và 50 ngày công lao động để mở rộng, nâng cấp đường trục thôn.

Nhiều tuyến đường nông thôn đã trở nên khang trang, sạch đẹp (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Để công trình được thực hiện đảm bảo, đúng tiến độ và đạt hiệu quả, việc giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công rất quan trọng. Phó Chủ tịch xã Quang Kim Vũ Văn Sơn cho biết, trong quá trình vận động người dân hiến đất xây đường giao thông, Đảng ủy xã Quang Kim và Chi bộ thôn Vĩ Kẽm thực hiện tốt việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, công khai, dân chủ đến các hộ dân theo cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm. Chính quyền xã công khai thông tin về dự án như: nguồn vốn làm đường; phần hỗ trợ của nhà nước, phần việc của nhân dân, công khai diện tích đất của từng hộ dân hiến đất làm đường...

"Xã luôn chỉ đạo các thôn tổ chức họp thôn, lấy ý kiến từ người dân, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia thảo luận, bàn bạc và tự quyết định mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng. Nhờ đó, nhận thức và sự đồng thuận của nhân dân được nâng lên rõ rệt, bà con nhân dân cùng góp công, góp sức với cấp ủy, chính quyền hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương", Phó Chủ tịch xã Quang Kim nhấn mạnh.

Giai đoạn 2021-2025, Lào Cai xác định xây dựng nông thôn mới bền vững, thực chất đi vào chiều sâu; phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 70% số thôn đạt nông thôn mới, trong đó 30% số thôn đạt chuẩn nông thôn mới hoàn thành “kiểu mẫu”.

Phó Chánh Văn phòng nông thôn mới tỉnh Lào Cai Nguyễn Trung Kiên cho biết, việc xây dựng nông thôn mới tại Lào Cai lấy người dân làm chủ thể. Chỉ khi nào người dân phát huy đầy đủ quyền làm chủ của mình, trực tiếp tham gia vào các khâu kiểm tra, giám sát, cũng như thực hiện xây dựng nông thôn mới thì đem lại hiệu quả thực sự. Việc người dân hiểu rõ quyền, lợi ích và nghĩa vụ thực hiện dân chủ của mình trong quá trình tham gia xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần bảo đảm cho quá trình xây dựng nông thôn mới thật sự công khai, minh bạch, hiệu quả và bền vững./.

PV

Xem thêm