Xã hội

Vĩnh Phúc: Chuyển trọng tâm từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển

Vĩnh Phúc

Năm 2022, tỷ suất sinh thô trên địa bàn Vĩnh Phúc là 12,5% (giảm 1% so với năm 2021); tỷ số giới tính khi sinh là 115 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt gần 90%.

TTXVN - Xác định công tác truyền thông có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hành vi, nâng cao nhận thức trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, tỉnh Vĩnh Phúc đang nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến, thay đổi hành vi của cộng đồng về dân số và phát triển trong tình hình mới.

Tỉnh tập trung đẩy mạnh, triển khai sâu rộng truyền thông về dân số và phát triển đến các cấp, ngành, cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng, gia đình và từng cặp vợ chồng với nội dung tuyên truyền thiết thực, sinh động, thông qua sản phẩm truyền thông được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền qua các pano, áp phích, tờ rơi, hoạt động mít tinh, diễu hành...

Công tác truyền thông được tập trung vào những nội dung cụ thể như: Về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả của việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số; vận động thanh niên thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân; phụ nữ mang thai thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh; trẻ sơ sinh thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh; nâng cao nhận thức về tác hại, hệ lụy, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Bên cạnh đó, ngành Dân số tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng nâng cao vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc giáo dục kiến thức, kỹ năng sống cho vị thành niên/thanh niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, hôn nhân và gia đình, giới tính, bình đẳng giới, tầm soát bệnh tật bẩm sinh. Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các trường Trung học cơ sở tổ chức Hội thi Rung chuông vàng "Tìm hiểu kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; tổ chức các hoạt động truyền thông, ngoại khóa chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, giáo dục giới tính, bình đẳng giới, tư vấn chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân cho học sinh…

Vĩnh Phúc duy trì và đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn, tổ dân phố cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên, phụ nữ; lồng ghép nội dung dân số và phát triển vào các cuộc họp, sinh hoạt văn nghệ, thể thao của nhân dân tại khu dân cư. Địa phương bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông, cập nhật thông tin về dân số và phát triển cho cán bộ phụ trách truyền thông huyện, viên chức dân số xã, phường, thị trấn và những người làm công tác truyền thông, đặc biệt là cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn, tổ dân phố...; tăng cường truyền thông qua hệ thống mạng điện thoại di động; website của Sở Y tế Vĩnh Phúc, Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh; các mạng xã hội Zalo, Facebook, Youtube, Tiktok…

Hoạt động truyền thông chuyển trọng tâm từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển. Năm 2022, tỷ suất sinh thô trên địa bàn Vĩnh Phúc là 12,5% (giảm 1% so với năm 2021); tỷ số giới tính khi sinh là 115 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt gần 90%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt hơn 78% số trẻ em được sinh ra; nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân đạt gần 70%; người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt hơn 61% tổng số người cao tuổi.../.

Nguyễn Thảo

Xem thêm