Đối với các trường trung học phổ thông, quy mô tối thiểu 15 lớp và tối đa 50 lớp.
TTXVN - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo dự thảo, có một số điểm sửa đổi đáng chú ý về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, quy mô của trường mầm non, phổ thông.
Cụ thể, trường mầm non có quy mô tối thiểu 9 nhóm, lớp và tối đa 30 nhóm, lớp. Đối với trường tại các xã thuộc vùng khó khăn và các trường dân lập, tư thục có quy mô tối thiểu 5 nhóm, lớp.
Đối với các trường tiểu học, quy mô tối thiểu 10 lớp và tối đa 40 lớp. Trường tại các xã thuộc vùng khó khăn có quy mô tối thiểu 5 lớp.
Đối với các trường trung học phổ thông, quy mô tối thiểu 15 lớp và tối đa 50 lớp. Trường phổ thông có nhiều cấp học có tối thiểu 9 lớp và tối đa 50 lớp (đối với trường có 2 cấp học), 75 lớp (đối với trường có 3 cấp học).
Theo quy định hiện hành tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT, trường trung học phổ thông có quy mô tối đa 45 lớp; trường tiểu học có tối đa 30 lớp; trường mầm non có tối đa 20 nhóm, lớp.
Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi quy định về số lượng phòng học, số phòng học bộ môn, diện tích khu đất xây dựng trường... Các trường căn cứ điều kiện thực tế, có thể ghép một số phòng học bộ môn theo nguyên tắc đủ chức năng, đầy đủ thiết bị cho mỗi môn học, bố trí thời gian, không gian học để thực hiện kế hoạch và hoạt động giáo dục theo từng chức năng, bảo đảm định mức giờ dạy trên quy mô học sinh đối với các môn học.
Trong khi đó, quy định hiện hành không có nội dung về ghép các phòng học bộ môn mà tách riêng quy định cho từng phòng học bộ môn cụ thể. Đó là có tối thiểu 1 phòng học bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật; 1 phòng học bộ môn Khoa học - Công nghệ; 1 phòng học bộ môn Tin học; 1 phòng học bộ môn Ngoại ngữ và 1 phòng đa chức năng.
Về việc đánh giá tiêu chuẩn, dự thảo Thông tư quy định: Đối với các cơ sở giáo dục đã được đánh giá tiêu chuẩn cơ sở vật chất khi công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục, chuẩn quốc gia trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục theo cấp độ, mức độ đã được công nhận. Thời gian chuyển tiếp thực hiện các quy định tại Thông tư này để đánh giá tiêu chuẩn cơ sở vật chất khi công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận đạt chuẩn quốc gia là 5 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các công trình sự nghiệp của các cơ sở giáo dục đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì không xác định lại tiêu chuẩn, định mức theo Thông tư này.
Thời gian lấy ý kiến góp ý đến hết ngày 11/6/2024. Dự thảo Thông tư này được kỳ vọng sẽ là giải pháp để xử lý tình trạng quá tải trường lớp hiện nay./.