Văn hóa

Đưa di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng

Ninh Bình

Qua những chuyên đề được trưng bày tại các địa điểm ngoài bảo tàng, Bảo tàng Ninh Bình nhận được nhiều phản hồi tích cực của nhân dân và du khách.

Cổng chính dẫn vào Khu Di tích Cố đô Hoa Lư. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

TTXVN - Nhằm giới thiệu đến nhân dân và du khách về những nét đặc trưng tiêu biểu của lịch sử địa phương, ngành Văn hóa tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp, thực hiện nhiều chuyên đề đưa hiện vật bảo tàng đến gần hơn với công chúng, góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc và ý thức trân trọng, gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc.

* Giúp học sinh hứng thú hơn với môn Lịch sử

Trong tháng 2/2023, đoàn cán bộ Bảo tàng Ninh Bình tổ chức thuyết trình chuyên đề "Kinh đô Hoa Lư" phục vụ các thầy cô giáo và các em học sinh tại 10 trường Trung học Cơ sở trên địa bàn huyện Hoa Lư. Nội dung chuyên đề được trình chiếu và thuyết trình kết hợp với giới thiệu các hiện vật sưu tầm được từ Khu Di tích Cố đô Hoa Lư đang lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị tại bảo tàng.

Theo cán bộ Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, phần giới thiệu về "Kinh đô Hoa Lư" gồm các nội dung như: Quá trình thống nhất đất nước và sự ra đời của Nhà nước chính thống đầu tiên ở nước ta; Lê Hoàn và công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm; giới thiệu về kinh đô Hoa Lư; nét văn hóa đặc sắc của Cố đô Hoa Lư và các vùng phụ cận trong những thế kỷ tiếp theo; việc tri ân đối với các nhân vật lịch sử thời Đinh - Tiền Lê.

Đặc biệt, các thầy cô giáo và các em học sinh được chiêm ngưỡng, khám phá và nghe giới thiệu chi tiết về các hiện vật (chất liệu chế tác, công dụng, niên đại và sự độc đáo khác biệt…).

Long sàng - Bảo vật quốc gia tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng thuộc Khu di tích Cố đô Hoa Lư. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Bên cạnh đó, cán bộ nghiệp vụ Bảo tàng tương tác với các thầy cô giáo, các em học sinh thông qua việc đặt các câu hỏi và trả lời các câu hỏi. Mỗi câu hỏi đúng của học sinh đều được tặng một phần thưởng nhỏ nhưng có giá trị về tinh thần; khích lệ, động viên tinh thần học tập và xung phong trả lời câu hỏi. Đợt công tác này của Bảo tàng Ninh Bình đã phục vụ 4.176 lượt các thầy cô giáo và các em học sinh của 10 trường Trung học Cơ sở.

Đại diện lãnh đạo Trường Trung học Cơ sở Ninh Khang, huyện Hoa Lư cho biết, khối trường Trung học Cơ sở là khối trường phổ thông được giảng dạy phần lịch sử địa phương. Chương trình "Đưa hiện vật bảo tàng tới trường học" với phương pháp kết hợp trình chiếu và thuyết trình (Slide Show), giới thiệu các hiện vật giúp cho các em học sinh có hứng thú hơn trong việc tiếp cận với những sự kiện của lịch sử địa phương.

Các em không chỉ được học lịch sử theo cách học là thầy giảng, trò nghe và ghi chép mà các em còn được tận mắt chiêm ngưỡng, nghe giới thiệu về các hiện vật minh chứng cho những sự kiện, những nhân vật lịch sử nổi tiếng, những công trình kiến trúc cung đình, kiến trúc tôn giáo, góp phần giúp các em tiếp thu bài học nhanh hơn, ghi nhớ lâu hơn và thêm yêu lịch sử Việt Nam.

Các em học sinh tham quan Khu Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Chương trình "Đưa hiện vật bảo tàng tới trường học" được Bảo tàng tỉnh Ninh Bình triển khai từ năm 2017. Đến nay, hàng nghìn học sinh tại 8 huyện, thành phố tỉnh Ninh Bình đã được tham gia, góp phần nâng cao nhận thức về lịch sử, văn hóa dân tộc.

* Đưa hiện vật đến gần hơn với công chúng

Hướng tới mục tiêu đưa các hiện vật đến gần hơn với công chúng, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình phối hợp với nhiều địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh triển khai các chuyên đề về Kinh đô Hoa Lư.

Đầu tháng 4, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Thư viện tỉnh Ninh Bình tổ chức chuyên đề "Kinh đô Hoa Lư - Theo dòng lịch sử" sau đó các hiện vật tại chuyên đề này được chuyển lên không gian của Lễ hội Hoa Lư tổ chức vào cuối tháng 4/2023 phục vụ nhân dân và du khách.

Các nghi lễ truyền thống trong Lễ hội Hoa Lư thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan, chiêm bái. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Không chỉ phục vụ du khách đến với địa phương, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình phối hợp với tỉnh Bạc Liêu để đưa di sản văn hóa đến tỉnh bạn. Qua đó, không chỉ giới thiệu lịch sử, di sản văn hóa của địa phương, hoạt động này còn giới thiệu, quảng bá về những di tích danh thắng nổi tiếng ở Ninh Bình và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, thắm tình giữa hai tỉnh Ninh Bình và Bạc Liêu.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình cho biết, cùng với việc thu hút người dân du khách đến Bảo tàng tham quan, tìm hiểu, Bảo tàng tỉnh thực hiện nhiều chuyên đề mang hiện vật đến các địa phương, trường học giúp công chúng có cơ hội được chiêm ngưỡng, tham quan, tìm hiểu lịch sử.

Để thực hiện các chuyên đề này, công tác di chuyển các hiện vật được cán bộ Bảo tàng hết sức chú ý, cẩn thận và tỉ mỉ. Đối với những hiện vật đặc biệt, Bảo tàng sẽ trưng bày những hiện vật phục chế để tránh những yếu tố tác động từ bên ngoài vào.

Các chuyên đề trưng bày thường có nhiều nội dung như: Quá trình thống nhất đất nước của người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh và sự ra đời của Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc; Tiểu sử, quê hương vua Đinh Tiên Hoàng và căn cứ quân sự đầu tiên của nghĩa quân Hoa Lư; Bối cảnh lịch sử và nạn cát cứ 12 sứ quân ở thế kỷ thứ X.

Cùng với đó là câu chuyện về Vua Lê Đại Hành và công cuộc kháng Tống, bình Chiêm năm 981 - 982; Diện mạo, các cung điện và công trình văn hóa, tâm linh của Kinh đô Hoa Lư. Một số hình ảnh, hiện vật thời nhà Lý thông qua các bản dập văn bia, hiện vật gốc.

Các hiện vật trưng bày rất đa dạng, đặc sắc, chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa sâu đậm, cùng cách trưng bày khoa học, dễ hiểu, giúp người xem thuận lợi nắm bắt các thông tin.

Tái hiện nghi thức Đinh Bộ Lĩnh đăng quang Hoàng Đế. (Ảnh: Đức Phương - TTXVN)

Qua những chuyên đề được trưng bày tại các địa điểm ngoài bảo tàng, Bảo tàng nhận được nhiều phản hồi tích cực của nhân dân và du khách. Đó cũng chính là động lực giúp cán bộ Bảo tàng tiếp tục sáng tạo trong việc đưa hiện vật bảo tàng đến gần hơn với công chúng.

Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung hiện vật cho các chuyên đề; đồng thời sẽ xây dựng nhiều chuyên đề khác phục vụ một cách phong phú hơn, rộng rãi hơn về những sự kiện, giai đoạn lịch sử của địa phương.../.

Hải Yến

Xem thêm