Giải pháp đột phá để Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới
Năm 2023, ngành Du lịch Quảng Ninh đã hoàn thành vượt mức kế hoạch với các chỉ tiêu. Tổng thu du lịch dự kiến 33.610 tỷ đồng (đạt 149%).
TTXVN - Ngày 23/1, Hội nghị tham vấn cho Đề án phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới đã diễn ra tại thành phố Hạ Long.
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương và chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp du lịch có những đánh giá sâu sắc, đề xuất giải pháp và tổ chức thực hiện để hoàn thiện Đề án do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Cục Du lịch Quốc gia phối hợp với Sở Du lịch Quảng Ninh xây dựng. Mục tiêu của Đề án là xác định được định hướng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá nhằm xây dựng Quảng Ninh trở thành điểm đến du lịch hàng đầu cả nước, là trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế có thương hiệu mạnh trên toàn cầu.
Theo Đề án, Quảng Ninh về cơ bản đã đáp ứng một phần các điều kiện của trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, trong đó có hai điều kiện đã đáp ứng được là về vị trí địa lý, địa kinh tế, chính trị, đối ngoại thuận lợi cho việc kết nối khu vực và quốc tế; môi trường chính trị - xã hội, an ninh đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân địa phương. Ba điều kiện cơ bản đáp ứng được là điều kiện giao thông phát triển hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng kết nối giao thông đến nhiều điểm đến quốc tế, đặc biệt là kết nối hàng không; đóng góp của du lịch vào GRDP chiếm tối thiểu 10%; bảo vệ môi trường tự nhiên gắn với phát triển bền vững kinh tế-xã hội. Các điều kiện về cơ chế chính sách, phạm vi, điểm đến, hạ tầng lưu trú…, Quảng Ninh chỉ đáp ứng một phần. Đối với yêu cầu Quảng Ninh là nơi gặp gỡ, gửi khách của các thương hiệu du lịch lớn trên thế giới, các công ty đa quốc gia về du lịch hoặc có liên quan đến du lịch để phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với thế giới vẫn chưa đáp ứng được.
Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với Đề án và tập trung làm rõ các điều kiện thuận lợi, những khó khăn, thách thức, tính khả thi của Đề án, từ đó thảo luận về cách thức để hiện thực hóa Đề án. Các đại biểu và chuyên gia cho rằng, để Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới, cần quan tâm nhiều hơn đến công tác bảo vệ môi trường, rác thải, nước thải, an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc bảo tồn đa dạng sinh học khu vực di sản cũng cần được quan tâm để duy trì giá trị tài nguyên du lịch, gắn khai thác dược liệu biển phục vụ phát triển du lịch. Các đại biểu cũng chỉ ra Quảng Ninh còn thiếu các dịch vụ chất lượng cao, chưa phát huy được hết các lợi thế về hạ tầng, điển hình như sân bay Vân Đồn.
Theo các chuyên gia, Đề án cần làm rõ hơn nữa các điểm nghẽn để tìm ra các giải pháp tháo gỡ; cần nâng cao sự liên kết nội vùng, ngoại vùng để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch bổ trợ cho nhau, như du lịch vùng tam giác rồng Hạ Long (Quảng Ninh) - Hoàng Long (Ninh Bình) – Thăng Long (Hà Nội). Ngoài ra, Đề án cũng cần quan tâm đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong ngành du lịch, nhất là đào tạo ngoại ngữ; định vị du lịch Quảng Ninh với thế giới bằng di sản Vịnh Hạ Long và danh thắng Yên Tử…
Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhận định, về cơ bản, Đề án đã khẳng định được vai trò, vị trí của tỉnh Quảng Ninh, tiềm năng lợi thế và các điều kiện tiên quyết để trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế. Đề án cần bám vào quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh, của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; cần phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức sắc nét hơn, các giải pháp cụ thể hơn, để mang lại tính khả thi cao. Đề án phải xác định được nguồn lực, cơ chế ưu tiên.
Ông Hà Văn Siêu đề nghị Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp cùng với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch để hoàn thiện Đề án, trình UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời, đề xuất UBND tỉnh quyết liệt thực hiện để đạt được mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới.
Năm 2023, ngành Du lịch Quảng Ninh đã hoàn thành vượt mức kế hoạch với các chỉ tiêu: Tổng khách du lịch ước đạt 15.560.000 lượt (đạt 134% so với cùng kỳ), trong đó khách quốc tế khoảng 2.150.000 lượt. Tổng thu du lịch dự kiến 33.610 tỷ đồng (đạt 149%)./.