Từ năm 2026, doanh nghiệp bắt buộc thực hiện các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch.
TTXVN - Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP ban hành ngày 07/01/2022 Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone (Danh mục trong Quyết định 01/2022/QĐ-TTg do Chính phủ ban hành ngày 18/01/2022), hiện nay, có 294 doanh nghiệp ngành Dệt may và da giày phải thực hiện trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành Dệt may đang chi khoảng 3 tỷ USD mỗi năm cho tiêu thụ năng lượng. Thống kê cho thấy, dệt may chiếm khoảng 8% nhu cầu năng lượng của toàn bộ ngành công nghiệp và phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Nghị định 06 đã đưa ra lộ trình cụ thể cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dệt may, việc cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở. Ngay từ tháng 3/2025, doanh nghiệp sẽ phải gửi số liệu tới các cơ quan quản lý, đồng thời, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Từ năm 2026, doanh nghiệp bắt buộc thực hiện các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch, để tuân thủ hạn ngạch phát thải được phân bổ.
Ngay từ bây giờ, doanh nghiệp cần triển khai sớm các bước chuẩn bị triển khai kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải, tránh rơi vào tình trạng lúng lúng trong sản xuất, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh, người lao động. Việc kiểm kê khí nhà kính và đề xuất giải pháp giảm phát thải là việc làm cần thiết, giúp các doanh nghiệp phần nào bắt kịp xu thế thị trường, chuyển đổi xanh thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng.
Về nguyên tắc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, Nghị định 06/2022/NĐ-CP nêu rõ, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, pháp luật hiện hành và các quy định, điều ước quốc tế có liên quan với mục đích phát triển nền kinh tế carbon thấp và tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững.
Quản lý hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phải tuân theo nguyên tắc trách nhiệm, thống nhất, công bằng, minh bạch; mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh theo ưu tiên phát triển quốc gia và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon đảm bảo công khai, hài hòa lợi ích của các chủ thể trên thị trường carbon. Các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường carbon trên cơ sở tự nguyện.
Nhập khẩu, xuất khẩu các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát chỉ được thực hiện với các nước là thành viên của Nghị định thư Montreal theo lộ trình thời gian do Nghị định thư quy định.
Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực, nhận thức của cộng đồng, huy động sự tham gia của nhân dân về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.
Các biện pháp tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức bao gồm: Tăng cường năng lực cho các cán bộ quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone; đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách về kiểm kê khí nhà kính; đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các cơ sở, ngành và địa phương; kỹ thuật viên thực hiện lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị có chứa các chất được kiểm soát; phổ cập nội dung giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone thông qua hệ thống giáo dục các cấp và các phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung thúc đẩy các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone đưa vào hoạt động của các hội khoa học kỹ thuật, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác; tổ chức các phòng trưng bày sản phẩm, công nghệ, tổ chức các cuộc thi sáng tạo về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone./.