Việc cấp giấy nghỉ ốm không đúng quy định xảy ra với cả cơ sở khám, chữa bệnh có hợp đồng và không có hợp đồng với cơ quan Bảo hiểm Xã hội.
Chiều 5/6, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quý II/2023.
Trao đổi về vụ việc liên quan đến 6 phòng khám đa khoa tư nhân ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) làm giả giấy tờ để trục lợi tiền bảo hiểm xã hội, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết, việc cấp giấy nghỉ ốm không đúng quy định xảy ra với cả cơ sở khám, chữa bệnh có hợp đồng với cơ quan Bảo hiểm Xã hội và không có hợp đồng với cơ quan Bảo hiểm Xã hội. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã biết và đã chỉ đạo các địa phương xử lý.
Ông Lê Văn Phúc khẳng định, có sự bắt tay giữa người lao động và cơ sở khám, chữa bệnh. “Có những trường hợp không mắc bệnh nhưng vẫn được cơ sở khám, chữa bệnh khám và đưa ra các chẩn đoán để cấp giấy nghỉ ốm”, ông nói.
Theo Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, cách đây hơn 1 năm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhận được thông tin phản ánh của một công ty về việc người lao động nghỉ ốm nhiều và kiến nghị cơ quan này rà soát, xử lý. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo kịp thời. Vụ việc xảy ra ở 6 phòng khám đa khoa tư nhân trên do chính cơ quan Bảo hiểm Xã hội phát hiện và chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ.
Ngày 4/6, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị có văn bản chỉ đạo Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc triển khai thực hiện đúng những quy định về vấn đề giám định, thanh toán, cấp giấy nghỉ ốm, tránh tình trạng làm giả như đã xảy ra.
Ông Lê Văn Phúc cho biết thêm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam luôn quan tâm đến câu chuyện lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế. Cuối năm 2022, ngành đã ban hành quy trình giám định bảo hiểm y tế khá chặt chẽ, trong đó đã đưa lên hệ thống nhiều quy tắc giám định bảo hiểm y tế, những số liệu về nhân sự, trang thiết bị, danh mục thuốc, danh mục dược, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật để kiểm soát. Ngoài việc giám định điện tử, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam còn thực hiện giám định trực tiếp tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Cơ quan Bảo hiểm Xã hội kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng thuốc, vật tư y tế, tránh tình trạng người bệnh phải đi mua vật tư, thuốc khi đến khám, chữa bệnh; chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo không để người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế trong danh mục phạm vi quyền lợi người bệnh được hưởng. Công tác giám định của ngành, ngoài việc bảo đảm hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi, còn đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế./.