Từ đầu năm 2023 đến nay, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các đơn vị trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 216 tỷ đồng.
TTXVN - Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hưng Yên Phạm Hữu Hiện cho biết, cơ quan này đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ, quyết liệt, xử lý nghiêm tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn.
Hưng Yên hiện có trên 250.000 người tham gia bảo hiểm xã hội; hơn 230.000 tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trên 1,1 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, với tổng số thu là trên 5.000 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã giải quyết cho trên 8.000 người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần; giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho trên 62.000 lượt người; tiếp nhận và thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho trên 5.500 người.
Theo ông Phạm Hữu Hiện, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong chỉ đạo, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể trích chuyển nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn còn xảy ra, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Thống kê của Bảo hiểm Xã hội tỉnh từ đầu năm 2023 đến nay cho thấy, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các đơn vị trên địa bàn tỉnh là khoảng 216 tỷ đồng (không bao gồm số tiền chậm đóng dưới 1 tháng).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số đơn vị gặp khó khăn, không có khả năng trích đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động đúng hạn. Nhiều doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, không còn hoạt động nên khó thu hồi số tiền chậm đóng. Bên cạnh đó, quy định mức lãi suất chậm đóng hiện thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng nên một số đơn vị có hành vi chậm đóng để trục lợi…
Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Kỹ thuật Hòa Bình (xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm) chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên 1,3 tỷ đồng của 159 người lao động. Đến tháng 9/2023, khi Đoàn Thanh tra của Bảo hiểm Xã hội tỉnh tiến hành thanh tra chuyên ngành và ban hành quyết định xử phạt, doanh nghiệp này mới nộp số tiền chậm đóng…
Tại thị xã Mỹ Hào, đến hết năm 2022 có đến 96 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, với số tiền trên 20 tỷ đồng, trong đó, có 25 đơn vị khó thu, không có khả năng thu hồi (đơn vị giải thể, chủ sử dụng lao động bỏ trốn) với số tiền chậm đóng là trên 1,7 tỷ đồng, khiến 301 người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi do chưa chốt được sổ bảo hiểm xã hội. Để giảm thiểu tình trạng này, Bảo hiểm Xã hội thị xã Mỹ Hào đã tăng cường tuyên truyền và yêu cầu các doanh nghiệp trích đóng bảo hiểm xã hội bảo hiểm y tế cho người lao động theo quy định; phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra để đôn đốc thu hồi số tiền chậm đóng...
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Phạm Hữu Hiện cho biết, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, trọng tâm là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra - một trong những giải pháp giúp giảm thiểu tình trạng chậm đóng kéo dài.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã tiến hành thanh, kiểm tra gần 200 đơn vị và đã phát hiện, yêu cầu các đơn vị truy nộp trên 33 tỷ đồng; trong đó số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được các đơn vị nộp trong quá trình thanh tra là trên 26 tỷ đồng. Trong quá trình thanh tra, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã ban hành 35 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 260 triệu đồng.
Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh, để giảm thiểu tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục rà soát, phân loại các đơn vị chậm đóng, phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp thu hồi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm.
Đồng thời, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện giao dịch điện tử để rút ngắn thời gian làm việc của doanh nghiệp với cơ quan Bảo hiểm Xã hội và kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách cho người lao động; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động và người sử dụng lao động../.