Việc UNESCO vinh danh Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam là sự khẳng định rõ ràng nhất về những đóng góp to lớn của người Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội. Đồng thời thể hiện sự lan tỏa tài năng, trí tuệ của người Việt Nam trên trường quốc tế.
Phiên họp lần thứ 42 ngày 21/11/2023 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2023 - 2024", trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Đây là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Đại danh y với xã hội, cộng đồng, nhất là tư tưởng nhân văn “sống vì mọi người” và tinh thần “học tập suốt đời”.
Danh y lỗi lạc, nhà văn hóa lớn
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác, sinh năm 1724, mất năm 1791. Quê cha của ông ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, Phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương, nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, cuộc đời ông chủ yếu gắn bó với quê mẹ ở thôn Bàu Thượng, xã Tình Diệm, nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.ại danh y Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác, sinh năm 1724, mất năm 1791. Quê cha của ông ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, Phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương, nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, cuộc đời ông chủ yếu gắn bó với quê mẹ ở thôn Bàu Thượng, xã Tình Diệm, nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là danh y lỗi lạc nhất trong lịch sử y học dân tộc, đồng thời cũng là nhà văn hóa lớn có nhiều đóng góp với nền văn hóa dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được kết tinh bởi tri thức uyên thâm, tư tưởng tiến bộ, đạo đức trong sáng, thể hiện qua những tác phẩm đồ sộ mà giá trị còn mãi đến ngày nay. Ông để lại cho hậu thế một tàng thư y học; một tấm gương sáng về y đức, y lý, y thuật... vô giá trong Di sản văn hoá Việt Nam và được coi là ông tổ của ngành Y học cổ truyền Việt Nam.
Là con của Tiến sĩ Thị lang Bộ Công triều, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sớm được theo cha học tập ở kinh thành Thăng Long và nổi tiếng là cậu học trò thông minh, toàn diện. Lê Hữu Trác từng thi đậu Tam trường, rồi theo học binh thư và được sung vào quân đội chúa Trịnh. Ông là người quyết đoán, thẳng thắn, cương trực nhưng cũng rất hiền từ, là người có chí khí thanh cao nên sớm chán nản khi chứng kiến những rối ren, ngang trái của xã hội. Sau một thời gian tham gia việc quân chính, viện cớ anh trai mất và phải nuôi mẹ, ông xin về quê mẹ ở ẩn.
Vốn là người thông minh, học rộng, sau một cơn bạo bệnh được thầy thuốc Trần Độc chữa trị và quý mến truyền thụ cho tất cả các kiến thức về y dược, Lê Hữu Trác nhanh chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học. Với trí thông minh hơn người lại cẩn trọng trong công việc, ông phát hiện được những kiến thức mới về y học, sinh lý học, dược học. Dựa trên thực tế dược liệu Việt Nam, ông có những sáng tạo độc đáo, tạo nên nhiều bài thuốc quý hiếm, chữa bệnh cứu người thành công. Ông phát hiện 305 vị thuốc nam; sưu tầm, thu thập 2.854 vị thuốc nam hay của các bậc tiền bối, nhất là Nam dược của Thiền sư Tuệ Tĩnh. Với tâm nguyện hoài bão ấp ủ là soạn sách, mở trường thuốc để truyền bá y học và với lý tưởng cao cả “làm sách truyền phương để giúp đời vô tận”, Lê Hữu Trác dựng lên “ngọn cờ đỏ thắm” trong y giới qua bộ “ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh”.
“Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” là kết quả cả cuộc đời nghiên cứu của ông đối với các cuốn sách kinh điển: Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ... Các bài thuốc trong sách là kết quả của quá trình tìm hiểu nền y học cổ truyền dân tộc kết hợp với thực tế chữa bệnh trong nhiều năm của ông. “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển, bao gồm đủ các lĩnh vực trong y học: Y đức, y lý, y thuật, dược, di dưỡng và được xem là bộ “Bách khoa toàn thư” về y học. Đây không chỉ là bộ sách quý về y học mà còn được các nhà nghiên cứu đánh giá cao về giá trị văn học bởi cách kể chuyện hấp dẫn của tác giả.
Ông từng cho biết: “Tôi đã tự đặt mình vào nghề y nên lúc nào cũng muốn làm hết khả năng của mình, trước thuật cho thật nhiều để cắm ngọn cờ hồng trong ngành y”... “Lấy các sách kinh điển của Đông y xưa, tham hợp với kinh nghiệm dân gian và người nước ngoài… hoặc theo đúng nguyên y, hoặc phân tích, giải thích chỗ nghi nan, phát hiện những chỗ người xưa chưa phát hiện, bổ sung vào những thiếu sót của người xưa...”.
Hiện nay, bộ sách "Hải Thượng y tông tâm lĩnh" được đưa vào kho tư liệu của nhiều thư viện ở Pháp và châu Âu, là đề tài của nhiều luận án khoa học tại một số trường đại học trên thế giới. Tầm ảnh hưởng của Đại danh y đã vượt xa khỏi biên giới Việt Nam từ cách đây hàng trăm năm. Những di sản của Hải Thượng Lãn Ông không chỉ được các thầy thuốc, học giả trong nước mà người nước ngoài cũng rất quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng. Y đức, y lý, y thuật và cách hành xử trước thời cuộc của Lê Hữu Trác đến nay vẫn là bài học, là tấm gương sáng chói để người đời sau noi theo.
Lan tỏa, giữ gìn những giá trị của Hải Thượng Lãn Ông
Việc UNESCO vinh danh Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam là sự khẳng định rõ ràng nhất về những đóng góp to lớn của người Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội. Đồng thời thể hiện sự lan tỏa tài năng, trí tuệ của người Việt Nam trên trường quốc tế.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh Bùi Xuân Thập chia sẻ, để có thể được UNESCO vinh danh, hồ sơ về Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã được tỉnh Hà Tĩnh xây dựng công phu, khoa học, nêu bật được những đóng góp và những giá trị, thông điệp tiêu biểu, nổi bật của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, đáp ứng một cách đầy đủ và thuyết phục các tiêu chí của Đại hội đồng UNESCO.
Đây cũng là thành quả của sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua giữa tỉnh Hà Tĩnh với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tỉnh Hưng Yên, các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu nhấn mạnh, việc UNESCO vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là niềm vinh dự, tự hào không chỉ cho đất nước Việt Nam nói chung, mà còn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh – quê mẹ của Đại danh y. Vì vậy, sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương, nhất là trên các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh sẽ phát huy trách nhiệm trong việc giữ gìn, lan tỏa những giá trị về y đức, y thuật, văn hóa, giáo dục mà cụ Lê Hữu Trác để lại trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng như xây dựng, phát triển tỉnh nhà trong giai đoạn mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu, thời gian qua, đội ngũ thầy thuốc tại Hà Tĩnh đã ứng dụng và lan tỏa những giá trị di sản quý báu mà Hải Thượng Lãn Ông để lại cả về y đức và y thuật. Mỗi thầy thuốc đều thấm nhuần lời dạy của Đại danh y Lê Hữu Trác, không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn vững về y thuật, sáng về y đức, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.
Đặc biệt, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh đã ứng dụng và kết hợp y học hiện đại vào công tác khám, chữa bệnh nhưng vẫn giữ vững và phát huy thế mạnh của y học cổ truyền trong điều trị, xây dựng nhiều bài thuốc nam bằng nguồn dược liệu sẵn có trên địa bàn. Qua đó làm phong phú các bài thuốc quý trong chữa bệnh nhằm thực hiện tốt phương châm “Nam dược trị nam nhân”.
Thời gian tới, các cơ sở y tế trong tỉnh Hà Tĩnh sẽ xây dựng không gian văn hóa Hải Thượng Lãn Ông. Đây là nơi giáo dục y đức cho đội ngũ thầy thuốc, đồng thời phát huy những tư tưởng, tinh hoa trong hệ thống di sản mà Đại danh y Lê Hữu Trác để lại đối với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Hà Tĩnh đang chỉ đạo UBND huyện Hương Sơn, các ngành Văn hóa, Y tế trùng tu và nâng cấp quần thể Khu di tích Quốc gia Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại huyện Hương Sơn thành nơi lưu giữ những giá trị văn hóa - lịch sử về Đại danh y, tiến tới đề xuất đưa Khu di tích trở thành Khu di tích Quốc gia đặc biệt. Đồng thời, xây dựng và phát triển Khu di tích trở thành Trung tâm y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông.
Quần thể Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh bao gồm khu mộ và tượng đài của Đại danh y Lê Hữu Trác tại thôn Hải Thượng (xã Sơn Trung); nhà thờ và khu tưởng niệm tại thôn Bảo Thượng (xã Quang Diệm).
Hằng năm, vào dịp Rằm tháng Giêng, tưởng nhớ ngày mất của cụ Lê Hữu Trác, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Lễ hội truyền thống Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Lễ chính được diễn ra trong hai ngày 13 và 14 tháng Giêng với nhiều hoạt động: Dâng hương và tưởng niệm Đại danh y; Lễ cầu sức khỏe, quốc thái dân an; đốt và thả đèn hoa đăng. Phần hội gồm các hoạt động: Trình diễn nghệ thuật truyền thống như dân ca, hò, vè, ví giặm và các trò chơi dân gian thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.
Năm 2024, Hà Tĩnh sẽ phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tỉnh Hưng Yên tổ chức Lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với sự tham dự của đại diện UNESCO; tổ chức trưng bày các di sản của cụ Lê Hữu Trác ở trụ sở UNESCO tại Pháp; tổ chức các Hội nghị khoa học quốc tế về cuộc đời và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác./.