Khoa học

Giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, phát huy trí tuệ đội ngũ trí thức trong giai đoạn đổi mới

Liên hiệp Hội cần tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong việc tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ; tham mưu kịp thời, hiệu quả cho Đảng và Nhà nước về các vấn đề lớn của đất nước, ngành và địa phương; thúc đẩy nghiên cứu, phổ biến tri thức, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Linh
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Ngày 21/4, tại Hội thảo "Đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị 42/CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" do Liên hiệp Hội tổ chức, các đại biểu đã đề nhiều xuất giải pháp phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Linh nhấn mạnh, sự ra đời của Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 là một dấu mốc quan trọng, khẳng định vai trò ngày càng lớn của Liên hiệp hội trong việc tập hợp đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Việc triển khai Chỉ thị 42 trong suốt 15 năm qua đã góp phần tạo chuyển biến rõ rệt cả về tổ chức lẫn nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống Liên hiệp Hội.

Quang cảnh Hội thảo
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Từ năm 2010 đến nay, số lượng hội thành viên của Liên hiệp hội đã tăng từ 125 lên 156. Công tác phát triển tổ chức chuyển biến theo chiều sâu, chú trọng chất lượng và tăng cường liên kết thông qua việc hình thành các cụm, khối thi đua. Cơ quan Trung ương Liên hiệp hội cũng đã thực hiện tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Liên hiệp Hội đã chủ động triển khai các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, tăng cường xã hội hóa các nguồn lực, đổi mới công tác truyền thông và phổ biến kiến thức, mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt là duy trì và phát triển quan hệ với các tổ chức quốc tế là thành viên.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Linh cho rằng, những ý kiến phân tích, đánh giá của các chuyên gia sẽ giúp làm rõ hơn kết quả, hạn chế trong quá trình thực hiện Chỉ thị 42 và Kết luận 93-KL/TW của Ban Bí thư, đồng thời gợi mở các giải pháp tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hội trong giai đoạn tới. Đây cũng là cơ sở quan trọng để kiến nghị với Đảng, Nhà nước những chủ trương, chính sách phù hợp, tạo điều kiện để Liên hiệp hội đóng góp mạnh mẽ hơn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới.

Tại hội thảo, Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện (Liên hiệp Hội) Bùi Kim Tuyến nhận định, bối cảnh quốc tế và trong nước đang đặt ra cả cơ hội và thách thức lớn đối với quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Liên hiệp hội; trong đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, chuyển đổi số, cũng như yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng đang đòi hỏi vai trò ngày càng cao của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ.

Các đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Do đó, Liên hiệp Hội cần tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong việc tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ; tham mưu kịp thời, hiệu quả cho Đảng và Nhà nước về các vấn đề lớn của đất nước, ngành và địa phương; thúc đẩy nghiên cứu, phổ biến tri thức, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường hợp tác quốc tế và chủ động tham gia vào các nhiệm vụ chiến lược quốc gia; quán triệt Nghị quyết của Đảng, đổi mới hoạt động tập hợp, vận động trí thức, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực tư vấn, phản biện, giám định xã hội và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam, Phạm Văn Tân cho rằng, để tổng kết đầy đủ hiệu quả thực hiện Chỉ thị 42, cần tập trung vào 6 nội dung trọng tâm: Đánh giá bối cảnh ra đời và vị thế chính trị của Liên hiệp Hội trong hệ thống chính trị; làm rõ các kết quả, đóng góp nổi bật trong hoạt động tư vấn, phản biện, phổ biến tri thức; chỉ ra các khó khăn, bất cập và nguyên nhân; rút ra bài học kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai; nhận diện tác động của bối cảnh mới trong nước và quốc tế; đề xuất cụ thể với Đảng, Nhà nước về cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên hiệp Hội trong thời gian tới.

Cũng theo Tiến sỹ Phan Tùng Mậu (Liên hiệp Hội), cần xác định lại mục tiêu phát triển theo hướng tiếp tục là tổ chức đại diện cho đội ngũ trí thức khoa học công nghệ, giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, phát huy trí tuệ đội ngũ trí thức, góp phần thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống số liệu thống nhất, phản ánh đúng thực tiễn hoạt động trong 15 năm qua, làm cơ sở cho tổng kết, đánh giá và hoạch định chính sách trong giai đoạn mới.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về một số nội dung xoay quanh các vấn đề trọng tâm trong quá trình triển khai Chỉ thị 42; đồng thời, đề xuất kiến nghị ban hành một Chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 42, nhằm phù hợp hơn với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.../.

Lý Thị Thanh Hương

Tin liên quan

Xem thêm