Trên cơ sở triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và HĐND các cấp chú trọng nâng cao mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho phát triển văn hóa.
(TTXVN) Nguồn lực cho phát triển văn hóa là một trong những nội dung trọng tâm của Hội thảo Văn hóa năm 2022 diễn ra ngày 17/12, tại Bắc Ninh. Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh tổ chức.
Đây là dịp làm rõ việc huy động, bố trí nguồn lực; từ đó đề xuất, kiến nghị, hoàn thiện thể chế, chính sách để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
*Thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Duy Đức (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đầu tư nguồn lực để phát triển văn hóa. Các nguồn lực này đóng vai trò trọng yếu để tạo nên động lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa ở tất cả lĩnh vực, các thành tố và hoạt động văn hóa từ cấp Trung ương đến cơ sở, từng bước phát huy được vai trò, sức mạnh của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã xác định, một trong những giải pháp lớn là tăng cường nguồn lực, phương tiện cho hoạt động văn hóa. Nghị quyết quy định rõ: “Tăng cường đầu tư cho văn hóa từ nguồn chi thường xuyên và chi phát triển trong ngân sách của nhà nước. Tỷ trọng chi ngân sách cho văn hóa phải tương ứng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Khuyến khích các địa phương tăng thêm nguồn đầu tư cho văn hóa. Tích cực huy động các nguồn lực ngoài ngân sách của nhà nước cho phát triển văn hóa...”.
Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (2014) đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tiếp tục nhấn mạnh giải pháp tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa.
Trên cơ sở triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và HĐND các cấp chú trọng nâng cao mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho phát triển văn hóa. Quốc hội đã bố trí kinh phí mức 1,8% tổng chi ngân sách Nhà nước cho ngành Văn hóa theo Kết luận Hội nghị Trung ương 10 khóa IX (2004).
Nguồn ngân sách văn hóa Nhà nước giao cho các địa phương cũng được quan tâm. Chính phủ ban hành một số văn bản tạo cơ sở pháp lý phân cấp, phân quyền để đầu tư nguồn lực cho văn hóa.
“Nhìn một cách tổng quát, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với tăng cường đầu tư cho nguồn lực để phát triển văn hóa đã được nhận thức một cách toàn diện và sâu sắc, thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc tạo nên một bước chuyển biến để phát triển văn hóa, con người trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Đây chính là tiền đề chính trị và pháp lý cơ bản để khơi dậy các nguồn lực phát triển văn hóa, xây dựng con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Duy Đức nhấn mạnh.
*Xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư
Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn những khoảng cách, độ chênh cần khắc phục để tạo nên sự thống nhất, nâng cao hiệu quả thực tiễn của các chính sách này.
Các chuyên gia cho rằng, thực tế văn hóa chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với tiềm lực kinh tế, chính trị và chưa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm. Việc phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn nặng hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng tầm, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Chất lượng và đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương dẫn chứng, tổng mức đầu tư cho văn hóa chỉ đạt 50% mức chỉ tiêu đặt ra cả ở cấp Trung ương và địa phương. Chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước cho toàn bộ các lĩnh vực văn hóa thông tin, phát thanh truyền hình, thông tấn, thể dục, thể thao (trong đó văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý chỉ có một phần) giai đoạn 2017 - 2021 là khoảng 1% trong tổng chi ngân sách Nhà nước và 1,57% trong tổng chi thường xuyên ngân sách Nhà nước trong khi chỉ tiêu được xác định là 2%.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Duy Đức chỉ rõ, việc đầu tư của Nhà nước để phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa còn thấp. Việc duy trì và bổ sung trang thiết bị cho hoạt động văn hóa tại các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở gặp nhiều khó khăn. Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư mới chỉ đạt được một số kết quả, chưa làm thay đổi căn bản được diện mạo cơ sở hạ tầng văn hóa ở các vùng miền, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo.
Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu. Chính sách đãi ngộ, sử dụng nhân tài trên lĩnh vực văn hóa còn tự phát, tùy vào mỗi địa phương, chưa trở thành chính sách chung của quốc gia.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Duy Đức, những hạn chế, yếu kém này đã gây nên khoảng cách giữa quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước với thực tiễn tăng cường nguồn lực để phát triển văn hóa ở các cấp, các ngành. Thậm chí, có nơi, có lúc, nguồn lực đầu tư từ Trung ương về địa phương bị cắt giảm. Có địa phương chuyển nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực văn hóa vào khu vực khác, gây khó khăn cho cơ sở, nhất là trong nâng cấp các thiết chế văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực.
Từ hạn chế này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Duy Đức cho rằng, cần thể chế hóa đồng bộ quan điểm tăng cường đầu tư cho văn hóa tương ứng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư phát triển bền vững đất nước, khắc phục quan điểm coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư chống xuống cấp hay chỉ là để đảm bảo duy trì phúc lợi xã hội.
Chính phủ và các địa phương cần xây dựng chiến lược và kế hoạch đầu tư nguồn lực để phát triển văn hóa, con người gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, coi đây là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển chung; tăng mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa tương đương 2% tổng ngân sách, khuyến khích các địa phương các doanh nghiệp đầu tư cho văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa đúng hướng nhằm huy động các nguồn lực đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Duy Đức cũng chỉ ra, Nhà nước xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế, phí đối với các cơ sở đào tạo, thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích thành lập các quỹ văn hóa, quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học, nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản...
Đồng quan điểm, ông Kiều Trung Sơn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận định, để phát triển đội ngũ nhân lực sáng tạo và thực hành nghệ thuật biểu diễn, cần có nguồn lực tài chính mạnh mẽ. Ông Sơn đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ nghệ thuật biểu diễn nhằm hỗ trợ các tác giả thực hiện tác phẩm nghệ thuật của mình.
Theo đó, quỹ tài trợ cho tác giả, việc thực hiện các tác phẩm, tài trợ cho các nghệ sĩ biểu diễn thực hiện chương trình trước công chúng, tài trợ cho các cuộc thi sáng tác...
Các chuyên gia nhấn mạnh, điều quan trọng là cần đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa chính sách và thực tiễn trong phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển con người trong thời kỳ mới, góp phần phát huy giá trị văn hóa, con người trong xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.