Góp ý Luật Nhà giáo: Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đội ngũ nhà giáo
Luật Nhà giáo cần xác định rõ, thể hiện được vai trò quan trọng của nhà giáo trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục cũng như vị trí của đội ngũ này trong xã hội để được tôn vinh và đáp ứng quyền lợi cho xứng đáng.
Chiều 24/9, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật Nhà giáo. Dự thảo Luật gồm 9 chương, 71 điều, dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới.
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về nhà giáo, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn công tác phát triển đội ngũ nhà giáo, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho đội ngũ nhà giáo phát triển.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Luật Nhà giáo cần xác định rõ, thể hiện được vai trò quan trọng của nhà giáo trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục cũng như vị trí của đội ngũ này trong xã hội để được tôn vinh và đáp ứng quyền lợi cho xứng đáng. Bên cạnh đó, Luật phải đề cập đến trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về biện pháp bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng của nhà giáo, học sinh; nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, những điểm cơ bản về chuẩn mực đạo đức cũng như kỹ năng nghề nghiệp cũng cần phải được làm rõ hơn trong luật này. Với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Nhà nước chú trọng và quan tâm nhiều hơn khi vai trò, nhiệm vụ của lĩnh vực này là cung cấp nhân lực cho các ngành công nghiệp, công nghệ và dịch vụ của quốc gia.
Theo luật sư Nguyễn Thị Thanh, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư-Luật gia, Hội Nữ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo Luật lần này đã thể hiện rõ, cụ thể các nội dung liên quan tới đội ngũ nhà giáo các trường công lập, trường dân lập, trường tư thục. Tuy nhiên, để thực hiện thống nhất, tránh tình trạng nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập vừa chịu sự điều chỉnh của Luật Nhà giáo, lại vừa chịu sự điều chỉnh của Luật Viên chức, cũng như các luật chuyên ngành khác có liên quan thì cần làm rõ và giải quyết mối quan hệ giữa Luật Nhà giáo và các luật hiện hành có liên quan trực tiếp đến nhà giáo.
Quan tâm đến việc sử dụng và phát huy đội ngũ nhà giáo là người cao tuổi, luật sư Nguyễn Thị Thanh đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định làm rõ hơn đối với hợp đồng dạy học cho nhà giáo là người cao tuổi, để đảm bảo phát huy tối đa nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có tài năng, tâm huyết... đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục. Thực tế, những vấn đề liên quan đến hợp đồng dạy học, nguyên tắc quản lý và phát triển nhà giáo, hợp đồng dạy học cho nhà giáo là người cao tuổi là vấn đề rất mới, có sự thay đổi lớn trong hoạt động quản lý tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cần được quan tâm quy định rõ trong điều khoản chuyển tiếp khi triển khai thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Luật Nhà giáo nên quy định tuyển dụng giáo viên mỗi năm một lần vào đầu năm học, hoặc thật cần thiết tuyển dụng thêm một lần nữa vào đầu học kỳ 2. Ngoài ra, cần có quy định ràng buộc khi đã trúng tuyển không được tham gia tuyển dụng ở quận, huyện khác trong năm đó để không gây xáo trộn trong đội ngũ. Đồng thời, trong dự thảo Luật Nhà giáo cần có chính sách để thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên ở các môn học khó tuyển dụng.
Một số đại biểu cho rằng, với đặc thù của bậc học mầm non, giáo viên ở bậc học này mong muốn được nghỉ đúng tuổi. Do đó, dự thảo Luật Nhà giáo cần quan tâm hơn đến nội dung này, tạo thuận lợi khi triển khai thực tiễn…/.