Ông Nguyễn Tiến Cường là nông dân có ý chí, nhanh nhạy với thị trường, sáng tạo trong lao động, sản xuất, cải thiện đời sống của gia đình và hỗ trợ nhiều gia đình khác ở địa phương.
TTXVN - Ông Nguyễn Tiến Cường (sinh năm 1960, trú tại thôn 3, xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã tích cực áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, giúp cuộc sống của gia đình ông và nông dân vùng quê Ninh Thượng đổi thay rõ rệt. Ông là một trong hai nông dân của Khánh Hòa được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023 do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức vào ngày 14/10.
Ông Cường tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, năm 1983, ông bị thương và được giải quyết chế độ phục viên. Về quê nhà, kinh tế gia đình rất khó khăn, với quyết tâm “thương binh tàn nhưng không phế”, ông Cường đã khai hoang vỡ hóa, mở rộng đất đai canh tác. Vùng đất Ninh Thượng nhiều nắng, địa hình chủ yếu là đồi núi, rất thích hợp trồng mía, xoài, cây thân gỗ. Những ngày đầu khai hoang được 5 ha đất, gia đình ông trồng cây lương thực ngắn ngày như bắp, đậu, mè… Đến năm 1996, thời kỳ hoàng kim của cây mía đường, ông Cường nhanh chóng chuyển hướng, đi học tập các mô hình, tham gia sản xuất cây mía. Không chỉ trồng mía đường, ông Cường còn sản xuất mía giống, bán lại cho nông dân trong thị xã Ninh Hòa. Cũng trong thời gian này, nhận định được hiệu quả đầu ra, ông Cường mạnh dạn cơ giới hóa nông nghiệp, đầu tư hệ thống máy móc cho nông dân khác thuê để sản xuất.
“Nhờ có cây mía, chỉ sau 2 năm làm nông nghiệp, tôi xây được nhà đang ở hiện tại với khoảng 80 triệu đồng (tương đương 2,5 cây vàng vào thời điểm đó) và lo cho 4 con học hành tài. Từ 5ha đất, tôi tiếp tục khai hoang và mua thêm, cao điểm tôi có 60 ha để phát triển cây mía, lợi nhuận sau thuế hàng năm lên đến 1 tỷ đồng”, ông Cường chia sẻ.
Đến năm 2015, giá mía đường không còn ở đỉnh cao, ông Cường nhanh chóng thay đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp. Trồng dâu, nuôi tằm lúc đó là một hướng đi mới trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tại vùng đất Ninh Thượng. Ông Cường học tập và nhận chuyển giao công nghệ nuôi tằm từ Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm Trung ương. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi dâu tằm, ông đã vận động 20 hộ thành viên chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm. Tằm giống được Tổ hợp tác bán cho các tỉnh lân cận như Đắk Lắk, Phú Yên tạo được nguồn thu nhập lớn cho hội viên. Tuy vậy, hiệu quả kinh tế chỉ được một thời gian ngắn, đến năm 2020 ảnh hưởng của COVID-19, tằm thương phẩm xuất khẩu đình trệ, giá thành hạ thấp kỷ lục, Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm ngừng hoạt động. Ông Cường phải bán đất vườn để trả nợ và trang trải cuộc sống.
Không vì thất bại mà dừng lại, năm 2021, ông Cường tiếp tục chuyển đổi 19 ha đất sản xuất sang trồng cây ăn quả, trong đó 13ha trồng xoài Úc và 6 ha trồng ổi lê, ổi nữ hoàng với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Đến nay, cây ổi đã cho thu hoạch 280 triệu đồng/năm, 13 ha xoài đã được hơn 3 năm tuổi và chuẩn bị cho thu hoạch quả vào năm 2024. “Tôi nhận thấy khi chuyển đổi cây trồng cần chọn loại giống có nguồn gốc, chất lượng cao thì chất lượng quả mới cao. Do đó, gia đình tôi mua giống xoài Úc từ Trung tâm Giống công nghệ cao của tỉnh để trồng. Hiện tại, cây xoài Úc phát triển tốt. Sau này không chỉ thu hoạch bán trái, tôi còn lên kế hoạch để làm sản phẩm xoài sấy dẻo để nâng cao giá trị cho sản phẩm”, ông Cường chia sẻ.
Nhận thấy tầm quan trọng của “đầu ra” cho nông sản hữu cơ, nông sản sạch trên thị trường trong nước và xuất khẩu cũng là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế tại vùng đất Ninh Thượng, ông Cường đã cùng 9 nông dân khác thành lập Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ và cây ăn quả Ninh Thượng. Ông đã được tín nhiệm bầu làm Giám đốc hợp tác xã. Sự ra đời của hợp tác xã này góp phần cùng địa phương đạt tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới xã Ninh Thượng.
Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, ông Cường còn tham gia sản xuất điện năng lượng mặt trời, mỗi năm thu nhập khoảng 390 triệu đồng; hiến đất mở đường đất sản xuất nông nghiệp, vận động người thân và gia đình tham gia bảo dưỡng đường đóng góp ngày công lao động…
Với những thành tích đạt được, nhiều năm liền ông Cường được Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh các cấp công nhận là hội viên sản xuất kinh doanh giỏi. Trong quá trình sản xuất, gia đình ông tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương, với mức lương từ 7 triệu đồng/người trở lên.
Ông Nguyễn Công Tính, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã thị xã Ninh Hòa, nhận xét, ông Nguyễn Tiến Cường là nông dân có ý chí, nhanh nhạy với thị trường, sáng tạo trong lao động, sản xuất, cải thiện đời sống của gia đình và hỗ trợ nhiều gia đình khác ở địa phương. Qua giới thiệu, bình xét, các cấp Hội bình chọn danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023, ông Cường đều nhận được sự thống nhất cao./.