Để khôi phục hoạt động du lịch sau bão, huyện Cát Hải và quận Đồ Sơn tích cực huy động lực lượng giải tỏa giao thông, tổng vệ sinh đường phố, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao thu hút khách.
Huyện Cát Hải (đơn vị quản lý hành chính quần đảo Cát Bà) và quận Đồ Sơn là 2 địa phương sát đất liền của Hải Phòng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão số 3 (Yagi). Đây là 2 trọng điểm du lịch của thành phố, đóng góp lớn nhất trong phát triển du lịch của thành phố Cảng. Chính vì vậy, chính quyền địa phương và doanh nghiệp du lịch tại hai địa bàn này đã nỗ lực khôi phục hoạt động du lịch, sớm đón khách quay trở lại Cát Bà và Đồ Sơn.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải: Ngay sau bão, việc dọn dẹp rác ở các phà - điểm trung chuyển đưa người và phương tiện từ đất liền Hải Phòng ra đảo Cát Bà, cũng như hỗ trợ người dân di chuyển từ đảo về đất liền được tiến hành khẩn trương. Tại đảo Cát Bà, huyện đã huy động lực lượng tại chỗ cùng sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang giải tỏa giao thông nội bộ trên đảo, ưu tiên cho tuyến đường trục chính nối từ phà Cái Viềng vào thị trấn và các xã trên đảo. Điện, nước, internet dần khôi phục. Đến thời điểm này, các tuyến đường trên đảo đã cơ bản sạch sẽ và khoảng 30% nhà hàng, khách sạn hoạt động trở lại. Dự kiến đến ngày 1/10, khoảng 90% nhà hàng, khách sạn tại Cát Bà sẽ hoạt động bình thường.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải Nguyễn Quang Vinh cho hay, đến thời điểm này có khoảng 3.000 vận động viên đăng ký tham gia Giải Marathon quốc tế VTV LP Bank - Sắc màu hoàng hôn Cát Bà 2024. Điều đặc biệt của các giải là sẽ có nhiều người thân đi cùng các vận động viên để trải nghiệm sản phẩm du lịch địa phương. Đây sẽ là dịp rất tốt để du lịch Cát Bà tái khởi động và phục hồi tích cực sau bão.
9 tháng qua có gần 3 triệu khách đến Cát Bà, trong đó có khoảng 810 nghìn lượt khách quốc tế. Đáng chú ý, có khoảng 900 nghìn lượt khách thăm quan, nghỉ đêm trên vịnh Lan Hạ. Đây là nhóm khách có khả năng chi trả cao, đóng góp quan trọng trong tăng thu ngân sách địa phương. Hiện, du lịch, dịch vụ chiếm khoảng 75% tỷ trọng kinh tế của huyện Cát Hải.
Về điều kiện phục vụ khách du lịch, huyện có 313 cơ sở lưu trú với 6.566 phòng. Trong đó, có 2 cơ sở lưu trú du lịch đã được Tổng Cục du lịch Việt Nam quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn 5 sao với trên 1.000 phòng và nhiều dịch vụ đa dạng phục vụ khách tham quan, nghỉ dưỡng trên đảo. Cùng với đó là hệ thống du thuyền hiện đại hoạt động trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Hệ thống cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn cũng được đầu tư, nâng cấp về quy mô và chất lượng, với 77 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đáp ứng tốt nhu cầu khách du lịch khi đến Cát Bà.
Tại Đồ Sơn, quận tái khởi động du lịch với hoạt động mở đầu là Lễ hội chọi trâu. Sau 35 năm khôi phục lễ hội, đây là năm đầu tiên lễ hội lùi từ ngày truyền thống 9/8 âm lịch hằng năm sang ngày 19/8 âm lịch (21/9 dương lịch) để quận và các đơn vị liên quan khắc phục hậu quả của bão số 3. Cùng ngày 21/9, tại Đồ Sơn diễn ra đêm chung kết Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu 2024. Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn, đây là những hoạt động góp phần quan trọng tạo ra chuỗi sản phẩm trong dịp Thu Đông thu hút du khách, đưa Đồ Sơn trở thành điểm du lịch hấp dẫn 4 mùa.
Ông Phạm Duy Khánh, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu 2024 chia sẻ, Đồ Sơn đã là một thương hiệu du lịch nổi tiếng của thành phố Cảng. Năm nay, Ban Tổ chức quyết định chọn Đồ Sơn là địa điểm tổ chức đêm chung kết để góp phần lan tỏa thương hiệu du lịch lâu đời của thành phố Cảng đến với bạn bè trong nước và thế giới.
Bên cạnh khách du lịch đến xem Lễ hội chọi trâu và đêm Chung kết Cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu năm 2024, Đồ Sơn còn thu hút rất nhiều khách du lịch là người chơi goft đến giao hữu tại 2 sân goft trên địa bàn quận.
Theo báo cáo của quận, 9 tháng qua, Đồ Sơn đón khoảng 3,5 triệu lượt khách. Năm 2024, Đồ Sơn phấn đấu đón 3,8 triệu lượt khách./.