Hậu Giang thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện dân chủ ở cơ sở theo kế hoạch, trong đó chú trọng thực hiện có hiệu quả công tác tiếp công dân, đối thoại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị của người dân.
Ngày 9/7, tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị sơ kết công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Theo bà Phạm Thị Thùy Dung, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Dân vận Tỉnh ủy Hậu Giang, trong 6 tháng cuối năm 2024, Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội theo phương châm “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực; hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất” đáp ứng yêu cầu của đoàn viên, hội viên trong giai đoạn hiện nay. Tỉnh cũng lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong hệ thống chính trị gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nâng cao hiệu quả và tạo sức lan tỏa sâu rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong toàn hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân.
Trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở 6 tháng cuối năm 2024, tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quán triệt quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Trung ương về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân về dân chủ, thực hành dân chủ.
Tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện dân chủ ở cơ sở theo kế hoạch, trong đó chú trọng thực hiện có hiệu quả công tác tiếp công dân, đối thoại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị của người dân. Đồng thời, Hậu Giang nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra của Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở các cấp; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục hạn chế, đánh giá đúng thực chất, hiệu quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình, cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Sáu tháng đầu năm 2024, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ở Hậu Giang luôn được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Tất cả đều coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gắn việc thực hiện dân chủ ở cơ sở với việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Từng công việc và mặt công tác, trong đó có trách nhiệm của từng cá nhân, trước hết là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương lãnh đạo, chỉ đạo được tổ chức thực hiện nghiêm túc, dân chủ ở cơ sở đối với tất cả các loại hình. Quy trình thực hành dân chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được thực hiện tốt, từ đó tạo được niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy đảng, chính quyền.
Công tác dân vận ở Hậu Giang có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phát huy rõ nét vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Tổ chức tiếp xúc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân theo nhóm đối tượng, nhóm vấn đề của Hậu Giang được nhân dân quan tâm. Qua đó giúp cấp ủy, chính quyền nắm bắt được những vấn đề bức xúc, nổi cộm, kịp thời điều chỉnh chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, điều hành và kịp thời chỉ đạo giải quyết dứt điểm những đề xuất, kiến nghị của nhân dân; đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, được đồng tình hưởng ứng, đánh giá cao.
Công tác dân vận của cơ quan Nhà nước, quy chế dân chủ ở cơ sở được tỉnh quan tâm chỉ đạo sâu sát, triển khai thực hiện khá toàn diện và đồng bộ. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá về công tác dân vận chính quyền của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh. Qua đó từng bước nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong vận dụng hiệu quả công tác dân vận trong quản lý Nhà nước, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn...
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp, ngành ở Hậu Giang đã tiếp 1.786 lượt với 939 người, giảm 26 lượt, giảm 175 người so với cùng kỳ 2023 với 920 vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tỉnh đã tổ chức được 78 cuộc đối thoại trực tiếp với dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với 5.216 ý kiến, có 4.583 đại biểu tham dự; xử lý phản ánh, kiến nghị của nhân dân.../.