Hòa Bình đã khai thác lợi thế, phát triển các loại hình du lịch, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng, gắn du lịch tâm linh với du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng và các hoạt động vui chơi giải trí.
Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sinh thái, hàng hóa gắn với du lịch trải nghiệm đang là hướng đi được ngành Nông nghiệp và các địa phương có thế mạnh triển khai nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; đồng thời, tạo ra những sản phẩm mới thu hút du khách. Tại huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình), mô hình nho Hạ Đen kết hợp với du lịch trải nghiệm đã bước đầu khẳng định được hiệu quả.
Huyện Cao Phong đặt mục tiêu đến năm 2025, du lịch dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tăng trưởng bình quân đạt 15% trở lên, đưa tỷ trọng của ngành đến năm 2025 chiếm 30%, năm 2030 chiếm 40%. Huyện đang tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, bến cảng, hạ tầng viễn thông... theo quy hoạch. Huyện đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật du lịch; xây dựng các khu nghỉ dưỡng sinh thái gắn với dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao, di tích lịch sử - văn hóa, khu, điểm du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, tạo thành tour, tuyến du lịch đa dạng, hấp dẫn.
Xác định đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, địa phương đã khai thác lợi thế, phát triển các loại hình du lịch, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng, gắn du lịch tâm linh với du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng và các hoạt động vui chơi giải trí. Đồng thời, huyện phát triển du lịch theo định hướng gắn du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, di sản thiên nhiên, cảnh quan, môi trường sinh thái; phát triển các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường. Địa phương nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với sinh thái, nông nghiệp sạch tại điểm du lịch có tiềm năng; quan tâm đầu tư nghiên cứu, xây dựng, nâng cao chất lượng các sản phẩm, phát triển mô hình sản xuất ứng dụng quy trình canh tác sinh thái, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mới mang tính chất đặc trưng, độc đáo của địa phương để thu hút du khách.
Vừa qua, với đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng giống nho Hạ Đen tại huyện Cao Phong” được triển khai từ tháng 5/2023, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao Phong Hòa Bình phối hợp với Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang thực hiện đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Được đầu tư trên diện tích hơn 3.000 m2 nhà lưới, giống nho Hạ Đen đã được trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ nhằm tạo ra dòng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Sau hơn 1 năm triển khai, cây nho Hạ Đen sinh trưởng và phát triển tốt, hiện đang bước vào vụ thu hoạch thứ 2, với năng suất được đánh giá đạt 9 tấn/ha/vụ. Đặc biệt, mô hình còn trở thành địa điểm du lịch của nhiều du khách khi muốn tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm cảm giác tự tay thu hoạch những chùm nho chín mọng để thưởng thức.
Nho Hạ đen cho thu hoạch 2 vụ/năm, vụ đầu từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 7; vụ 2 từ tháng 10 đến tháng 12. Tuổi thọ của cây nho Hạ Đen kéo dài khoảng 10 năm, nếu chăm sóc tốt có thể lên tới 15 năm. Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 2,5 tháng; trừ chi phí lãi khoảng 80 triệu đồng/ha/vụ.
Ông Hà Ngọc Tuyền, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao Phong Hòa Bình phấn khởi cho biết, vùng đất Cao Phong rất hợp với cây Nho Hạ Đen. Để phát triển loại cây này, một số hộ dân của huyện Cao Phong đã đến đăng ký để đơn vị chuyển giao kỹ thuật, cây giống trồng trọt trong thời gian tới. Năm 2025, tại Cao Phong sẽ có nhiều mô hình được triển khai, qua đó đưa địa phương trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Hòa Bình.
Tại vườn nho Hạ Đen, hiện rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đã tìm đến để trải nghiệm và thưởng thức, mua nho về làm quà cho gia đình. Điều này hứa hẹn đây là hướng đi mới trong việc kết hợp hiệu quả giữa sản xuất nông sản gắn với du lịch mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Chị Nguyễn Thị Nhàn (du khách từ Đồ Sơn, tỉnh Hải Phòng) cho biết: "Với mô hình này, tôi tin chắc rằng trong thời gian tới, Hòa Bình sẽ thu hút được nhiều khách du lịch đến với mảnh đất này. Con người Hòa Bình rất mến khách, hòa đồng. Khí hậu trong lành, mát mẻ, phong cảnh khá đẹp và cuốn hút mọi người".
Bí thư Huyện ủy Cao Phong Bùi Thị Kim Tuyến cho biết, việc phát triển các sản phẩm du lịch tại địa phương có nhiều chuyển biến, bước đầu hình thành các tour, tuyến du lịch nhằm quảng bá, thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, việc xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển du lịch luôn được huyện quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Huyện tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; bước đầu thu hút được nhiều dự án du lịch quy mô lớn đăng ký đầu tư. Mô hình trồng giống nho Hạ Đen đã đạt hiệu quả cao và có triển vọng, góp phần thúc đẩy phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập, giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác.
Mô hình nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng tại Hòa Bình đã và đang góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, khai thác các giá trị về tài nguyên của địa phương, nhất là các giá trị nội tại của hoạt động sản xuất nông nghiệp để tạo thu nhập ngoài các sản phẩm thuần túy cho người nông dân. Việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng không chỉ có ý nghĩa tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt, mà còn là phương pháp hiệu quả nhằm duy trì, bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, đặc thù của mỗi địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân./.
- Từ khóa:
- Hiệu quả
- mô hình
- phát triển
- nông nghiệp
- du lịch