Xã hội

Hỗ trợ hiệu quả, toàn diện cho các nạn nhân bị mua bán trở về

Sau gần 13 năm triển khai hoạt động, Nhà Nhân ái đã tiếp nhận và hỗ trợ cho các nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập gia đình cộng đồng an toàn.

TTXVN- Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, tỉnh này đang được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc trong công tác tiếp nhận và hỗ trợ hiệu quả, toàn diện cho các nạn nhân bị mua bán trở về.

Tỉnh Lào Cai hiện có hai cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh gồm: Trung tâm Công tác xã hội tỉnh và Nhà Nhân ái. Trong đó, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về Nhà Nhân ái được thành lập từ năm 2010 khi nạn mua bán người tại địa phương có nhiều phức tạp và khó khăn, những nạn nhân bị mua bán trở về cần được hỗ trợ khẩn cấp. Ngôi nhà do Đại sứ quán Anh tại Việt Nam hỗ trợ xây dựng; Tổ chức Vòng Tay Thái Bình (PacificLinks Foundation) tài trợ toàn bộ kinh phí hoạt động, vận hành và kỹ thuật chuyên môn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai là đơn vị quản lý, điều hành.

Sau đợt dịch COVID-19, từ năm 2021 đến tháng 6/2023, Nhà Nhân ái tiếp nhận mới 66 trường hợp, trong đó có 20 nạn nhân bị mua bán trở về và 46 công dân nghi là nạn nhân bị mua bán trở về.

Nhà Nhân ái. (Ảnh: Hương Thu/TTXVN)

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Sơn, sau gần 13 năm triển khai hoạt động, Nhà Nhân ái đã tiếp nhận và hỗ trợ cho các nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập gia đình cộng đồng an toàn. 100% nạn nhân được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh mua bảo hiểm y tế, được tư vấn giáo dục kỹ năng sống, được hỗ trợ học hết văn hóa phổ thông; 80% được học nghề, có việc làm ổn định. 70% đã xây dựng hạnh phúc gia đình ổn định cuộc sống. 100% được hồi gia an toàn, không bị tái mua bán, không rơi vào tệ nạn xã hội.

Nhiều em đã tự tin trở thành người truyền thông trực tiếp bằng tiếng dân tộc mình trước các phiên chợ vùng cao và tại các trường học, góp phần tuyên truyền kịp thời ngăn chặn có hiệu quả nạn mua bán người tại các xã vùng cao và các điểm trường học.

Theo đánh giá của các tổ chức trong và ngoài nước, đây là một mô hình hỗ trợ toàn diện, bền vững, khoa học, hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất cả về nguồn lực kinh phí và nhân sự, tập trung chi trực tiếp cho nạn nhân; có sự kết nối các nguồn lực tốt nhất, kể từ khi nạn nhân được giải cứu đến quá trình học tập, học nghề, có việc làm, hòa nhập gia đình cộng đồng bền vững nhất.

Được biết, giai đoạn 2012 - 2022, cơ quan chức năng tại Lào Cai đã khởi tố 222 vụ việc vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người với 402 bị can và 456 nạn nhân bị mua bán./.

PV

Xem thêm