Dù chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B vẫn cần tiếp tục có sự giám sát trên ca bệnh. Đồng thời tiến hành lồng ghép giám sát COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây các bệnh đường hô hấp, bệnh truyền nhiễm khác…
TTXVN - Chiều 20/10, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về quyết định điều chỉnh bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
*Vẫn tiếp tục giám sát COVID-19
Trước đó, theo quyết định mới nhất của Chính phủ và Bộ Y tế, kể từ ngày 20/10, COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A (nhóm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh) mà chính thức được chuyển sang bệnh thuộc nhóm B (nhóm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong).
Giải thích về việc điều chỉnh này, Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, việc chuyển COVID-19 thuộc nhóm A sang nhóm B là do thông tin đối chiếu giữa quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và thực tiễn diễn biến dịch tại Việt Nam cho thấy bệnh COVID-19 không còn đáp ứng các tiêu chí dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A. Cụ thể, trong năm 2023, số ca mắc COVID-19 đã giảm 82 lần so với năm 2022; tỷ lệ tử vong trên số ca mắc là 0,022% giảm gần 100 lần so với năm 2021. Tác nhân gây COVID-19 được xác định rõ là virus SARS-CoV-2. COVID-19 hiện nay đáp ứng các tiêu chí của bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Tuy nhiên ông Phan Trọng Lân cho biết, virus vẫn luôn có sự biến đổi, do đó dù chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B vẫn cần tiếp tục có sự giám sát trên ca bệnh. Đồng thời, tiến hành lồng ghép giám sát COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây các bệnh đường hô hấp, bệnh truyền nhiễm khác; thực hiện đánh giá nguy cơ định kỳ và đột xuất, triển khai ngay các đáp ứng trong phòng, chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ…
*Khuyến khích tiếp tục đeo khẩu trang
Liên quan tới vấn đề có cần thiết đeo khẩu trang sau khi chuyển COVID-19 sang nhóm B, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân khuyến cáo, hiện nay, ngoài COVID-19 vẫn còn nhiều bệnh truyền nhiễm khác, do đó người dân nên tiếp tục đeo khẩu trang tại nơi công cộng, đông người phòng tránh các tác nhân lây bệnh khác, đảm bảo sức khỏe. Người bị COVID-19 cần đeo khẩu trang trong vòng 10 ngày kể từ khi phát bệnh; người chăm sóc cho người mắc, kể cả chăm sóc tại gia đình nên đeo khẩu trang.
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa khuyến cáo, người dân, nhân viên y tế duy trì đeo khẩu trang tại các cơ sở khám, chữa bệnh, vì ngoài COVID-19 còn nhiều tác nhân gây bệnh khác có thể phòng tránh được thông qua việc đeo khẩu trang. Hiện vẫn chưa có quy định nào về việc bỏ đeo khẩu trang ở cơ sở khám chữa bệnh, ông Nguyễn Trọng Khoa thông tin.
*Thay đổi hình thức thanh toán chi phí điều trị COVID-19
Về thanh toán chi phí điều trị COVID-19, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho biết, việc thanh toán viện phí được chia theo 2 tình huống. Nếu người bệnh vào viện điều trị từ ngày 19/10 trở về trước ngân sách nhà nước thanh toán. Người bệnh vào viện khám, điều trị COVID-19 từ ngày 20/10, bảo hiểm y tế thanh toán và bệnh nhân cùng chi trả. Trường hợp người bệnh không tham gia bảo hiểm y tế phải tự chi trả toàn bộ chi phí.
Người bệnh đi khám, chữa bệnh COVID-19 phải thực hiện theo quy định. Người bệnh đi khám, điều đúng tuyến sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định của bảo hiểm y tế. Nếu tự đi khám, chữa bệnh trái tuyến sẽ được hưởng hỗ trợ ít hơn, thậm chí không được hưởng.
*Giữ nguyên phác đồ điều trị, việc tiêm vaccine dựa theo tình hình thực tế Về phác đồ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 sau khi chuyển COVID-19 từ nhóm A sang B, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, phác đồ điều trị hiện vẫn được duy trì theo hướng dẫn mới nhất được Bộ Y tế ban hành vào tháng 6/2023. Phác đồ này đã cập nhật những chỉ định điều trị, phương án quản lý bệnh nhân... đáp ứng theo tình hình dịch.
Liên quan đến việc tiêm vaccine COVID-19, ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, việc tiêm vaccine cần tiếp tục được theo dõi. Hiện chưa có khuyến cáo về việc tiêm vaccine COVID-19 hàng năm. Tuy nhiên, thời gian tới, tùy tình hình thực tế, Tổ chức Y tế thế giới có thể có những khuyến cáo mới tiếp theo. Theo kế hoạch năm 2023, vaccine COVID-19 vẫn được tiêm miễn phí. Những năm sau, tùy tình hình thực tế, Bộ sẽ có những khuyến cáo mới.
*Giải thể các bệnh viện điều trị COVID-19
Liên quan tới hoạt động của các bệnh viện điều trị COVID-19 đã được thành lập trước đây, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, theo báo cáo của các địa phương, hiện nay, các bệnh viện dã chiến đã được tháo dỡ gần hết. Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 ( Bệnh viện COVID-19) trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đặt tại quận Hoàng Mai, Hà Nội đã giải thể và được xem xét chuyển đổi công năng, tiếp nhận bệnh nhân khám, chữa bệnh bình thường theo kiến nghị của bệnh viện.
Bộ Y tế đã đi kiểm tra, xem xét các điều kiện cụ thể tại cơ sở này để đưa bệnh viện trở thành cơ sở điều trị thông thường. Thực tế, cơ sở dã chiến có điều kiện khác, do vậy, khi chuyển thành cơ sở điều trị đòi hỏi phải đáp ứng nhiều yêu cầu, quy định của pháp luật.
Giải đáp thắc mắc của phóng viên liên quan tới Bệnh viện dã chiến 13 tại Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang duy trì cơ sở này và sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp dịch COVID-19 quay trở lại hoặc có những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện. Tuy nhiên, sau khi đánh giá lại tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, Sở và Bộ Y tế sẽ xem xét giải thể, chuyển đổi công năng của cơ sở này./.