Đại học Quốc gia Hà Nội được lựa chọn là trung tâm đại học đầu tiên của cả nước thí điểm mô hình hợp tác đối tác công tư (PPP).
TTXVN - Ngày 4/11, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2023. Đây là hội nghị lần thứ hai, kể từ lần đầu tổ chức vào tháng 10/2022. Sự kiện này cũng nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 30 năm Ngày Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội (10/12/1993 – 10/12/2023).
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong lĩnh vực hợp tác đầu tư công tư (PPP); lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước; các trường đại học, học viện khu vực lân cận.
Đại học Quốc gia Hà Nội được lựa chọn là trung tâm đại học đầu tiên của cả nước thí điểm mô hình hợp tác đối tác công tư (PPP). Để hiện thực hóa mô hình đại học đổi mới sáng tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác, kết nối với doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tài chính để huy động các nguồn lực của doanh nghiệp, doanh nhân cùng cộng hưởng với nguồn lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là các chuyên gia, nhà khoa học uy tín nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân đã điểm lại kết quả hợp tác công tư sau một năm kể khi từ Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 được tổ chức. Bên cạnh những nguồn tài trợ hết sức thiết thực và ý nghĩa được tiếp nhận từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chủ động đa dạng hóa các nguồn lực xã hội phục vụ cho mục tiêu, sứ mệnh của mình, trước hết là nguồn lực đến từ hoạt động hợp tác với doanh nghiệp.
Giám đốc Lê Quân cho biết, từ Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022, nhiều ý tưởng và gợi mở đã được đưa ra, giúp khơi thông nhu cầu hợp tác đến từ nhu cầu giải quyết bài toán phát triển, không chỉ cho Đại học Quốc gia Hà Nội mà còn mở ra hướng đi đúng đắn cho phát triển kinh tế - xã hội của các đối tác, trong đó có các địa phương. Vì vậy, ông Lê Quân bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, đối tác tiếp tục quan tâm, hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội không chỉ trong tài trợ mà còn hỗ trợ đào tạo, tạo môi trường thực hành, thực tập cho sinh viên, nghiên cứu chuyển giao giúp Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển nhiều ngành kỹ thuật - công nghệ mới gắn với phát triển của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội (HBA) đánh giá cao ý tưởng tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông cho rằng, sau một năm từ hội nghị lần đầu tiên, rất nhiều hiệu quả đầu tư đã hiện diện ở Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, mô hình xúc tiến đầu tư mà Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án, công trình hiện hữu ở Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, mà còn là tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các công trình nghiên cứu, đề tài, dự án, sản phẩm khoa học và công nghệ của các nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2023 bao gồm 1 phiên toàn thể, 6 hội nghị chuyên đề song song với các nội dung: Xúc tiến đầu tư vào Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc; Y học công nghệ cao và khoa học sức khỏe; Đầu tư cho giáo dục, đào tạo tài năng và chất lượng cao; Thu hút đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản; Phát triển công nghệ, công nghiệp bán dẫn; Thu hút đầu tư của doanh nghiệp Đài Loan, Singapore vào các nghiên cứu về tài nguyên và môi trường tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong khuôn khổ hội nghị cũng đã diễn ra các hoạt động kết nối đầu tư cho các nhóm nghiên cứu, các sản phẩm khoa học và công nghệ, các dự án khởi nghiệp với các nhà đầu tư; Triển lãm tiềm lực khoa học và công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội; trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, nhà tài trợ kết hợp tuyển dụng việc làm; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của các địa phương; hội trại khoa học, giáo dục STEM của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội…
Cùng ngày, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc: Chương trình Giáo dục thể chất gắn với phát triển thể thao dân tộc và trò chơi dân gian; Khai trương không gian đổi mới sáng tạo VNU-RMIT tại tổ hợp giảng đường - ký túc xá QG-HN04.
Sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022, về hợp tác chuyển giao khoa học và công nghệ, có 14 sản phẩm khoa học và công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội đã được doanh nghiệp tiếp nhận đề xuất hoặc lựa chọn sản xuất thử nghiệm (thuộc lĩnh vực sức khỏe, môi trường, nông nghiệp). Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia Hà Nội được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn quan tâm, ký kết hợp tác đầu tư trong thương mại hóa và chuyển giao sản phẩm.
Về hợp tác công tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, Hội đồng Đại học Quốc gia Hà Nội đã thông qua Danh mục đề xuất dự án đầu tư công tư (PPP) giai đoạn 2021-2025. Trong năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều công việc sẵn sàng cho hoạt động đầu tư PPP. Dự án PPP đầu tiên được triển khai là Dự án đầu tư xây dựng Khu ký túc xá tại Hòa Lạc do Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư H Đông Dương và Công ty Cổ phần MB Land Invest là nhà đầu tư đề xuất.
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư xây dựng khác tại Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đang nhận được sự quan tâm hợp tác từ phía các nhà đầu tư và đã có các hoạt động triển khai đạt kết quả bước đầu như: Dự án trường liên cấp chất lượng cao, dự án bệnh viện quốc tế 1.000 giường, dự án Khu liên hợp thể thao Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc…/.