Chiều 17/12, Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề: "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa’’ tiếp tục với Phiên toàn thể. Sau phần phát biểu tham luận, các đại biểu đã thảo luận bàn tròn về: Nguồn lực đầu tư cho ngành văn hóa.
(TTXVN) Chiều 17/12, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề: "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa’’ tiếp tục với Phiên toàn thể. Sau phần phát biểu tham luận, các đại biểu đã thảo luận bàn tròn về: Nguồn lực đầu tư cho ngành văn hóa.
Tại phiên thảo luận này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết thực hiện chủ trương của Đảng nhất là từ sau Hội nghị toàn quốc về văn hóa do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì năm 2021, các bộ ngành địa phương đã ưu tiên đầu tư cho văn hóa.
Trong giai đoạn 2021-2025, vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn trong đó có cả vốn chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho lĩnh vực văn hóa ở trung ương là khoảng 14.500 tỷ đồng và vốn của địa phương là khoảng 52.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư cho văn hóa giai đoạn 2021-2025 là 66.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% trong tổng chi đầu tư. Tỷ lệ này cơ bản đáp ứng theo Chiến lược phát triển văn hóa. Qua tính toán sơ bộ, hằng năm chi sự nghiệp cho văn hóa thường gấp 3-5 lần chi cho đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho văn hóa là rất lớn bởi đây là lĩnh vực rất rộng. Do đó, vốn của nhà nước đóng vai trò là vốn mồi cần được sử dụng hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Thời gian tới cần có thêm chính sách để huy động thêm các nguồn vốn đầu tư khác cho văn hóa.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, hoạt động văn hóa không tạo ra giá trị tài chính trực tiếp, nhưng tạo ra giá trị gia tăng lớn. Nên trong đánh giá hiệu quả dự án văn hóa, không nên chỉ đánh giá đơn thuần về khía cạnh lợi nhuận kinh tế, mà còn xem xét nhiều khía cạnh như kiến tạo giá trị không gian cảnh quan, tăng cường kết nối, giao lưu, sáng tạo, cộng hưởng.
Chia sẻ quan điểm của mình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, khi nguồn lực nhà nước khan hiếm, cần huy động nguồn vốn xã hội, nguồn vốn tư nhân. Văn hóa có thể đem lại lợi ích to lớn, đem lại lợi ích cho các nhà đầu tư nên đối tác công tư là hoàn toàn khả thi và có triển vọng.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết thêm, vào thời điểm ban hành Luật về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Bộ đã thực hiện rà soát và chưa kiến nghị đưa lĩnh vực văn hóa vào. Lý do là bởi khi đưa lĩnh vực văn hóa vào cần phải chắc chắn đảm bảo được lợi nhuận cho nhà đầu tư, đồng thời cũng phải đảm bảo được không xung đột với các giá trị văn hóa truyền thống. Từ thực tiễn cuộc sống, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu và sẽ trình các cấp có thẩm quyền xem xét, để triển khai thí điểm áp dụng hình thức đầu tư theo Đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa.
Trước đó, chiều cùng ngày, trong tham luận: “Kết nối, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực Nhà nước, nguồn lực doanh nghiệp và nguồn lực xã hội phục vụ phát triển văn hóa”, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh về đặc trưng các loại nguồn lực, vai trò của từng loại nguồn lực, cơ chế và giải pháp kết nối, phân bổ, sử dụng hiệu quả các loại nguồn lực nhà nước, nguồn lực doanh nghiệp và nguồn lực xã hội phục vụ phát triển văn hóa trong giai đoạn mới.
Để huy động, khai thác, kết nối, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước, nguồn lực doanh nghiệp và nguồn lực xã hội phục vụ phát triển văn hóa, ông Đoàn Minh Huấn cho rằng cần xác định cơ sở cho kết nối chính, lập quy hoạch phát triển các sản phẩm và dịch vụ văn hóa với chỉ tiêu cụ thể. Động lực dẫn dắt cho kết nối chính là nguồn lực Nhà nước thông qua đầu tư công, miễn thuế, chính sách đất đai, tín dụng ưu đãi một số ngành ưu tiên làm cho tư nhân cũng thấy có lợi ích và sau đó sẽ kết nối tham gia...
Còn theo Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart, thách thức đặt ra đối với các nước đang phát triển như Việt Nam là làm thế nào để phát huy tiềm năng văn hóa, thiết kế và thực hiện các chính sách công về văn hóa để thúc đẩy sự phát triển của ngành văn hóa-sáng tạo, hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Đặt văn hóa vào giữa quy hoạch phát triển quốc gia sẽ đảm bảo phát triển bao trùm, bình đẳng và bền vững.
Đại diện của UNESCO đưa ra khuyến nghị trong hoàn thiện thể chế, thiết kế các chính sách văn hóa, tích hợp các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong các kế hoạch phát triển quốc gia và giám sát thực hiện, tác động của chính sách; đồng thời, tăng viện trợ cho các cam kết thương mại và giải ngân trong lĩnh vực văn hóa; thúc đẩy các hình thức tài trợ mới cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong môi trường kỹ thuật số. Cùng với đó, khuyến khích hỗ trợ tài chính cho các Viện văn hóa hay các ngành công nghiệp văn hóa thông qua việc áp dụng các cơ chế giảm thuế. Đây là cách làm được áp dụng ở nhiều quốc gia và được cho là có tác dụng đáng kể trong việc phát triển văn hóa của quốc gia đó do mang lại nhiều nguồn đầu tư bổ sung./.