Môi trường

Hưng Yên đẩy mạnh Chương trình bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu

Hưng Yên

Tỉnh Hưng Yên từ chối tiếp nhận dự án có nguy cơ ô nhiễm; thẩm định chặt chẽ, báo cáo, đánh giá tác động môi trường...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề về Thực trạng ô nhiễm môi trường và tình hình xử lý chất thải trên địa bàn. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

TTXVN - Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về Chương trình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 08) nhận thức của các cấp ủy Đảng, cán bộ, nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực. Tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp khi đi vào hoạt động xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn và 95% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý…

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh ngăn ngừa ô nhiễm, xử lý ô nhiễm môi trường công nghiệp; từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường; thẩm định chặt chẽ báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường; vận hành hiệu quả Trung tâm truyền nhận dữ liệu quan trắc tự động chất thải, giám sát các nguồn xả chất thải lớn trên địa bàn tỉnh; tiếp tục lấy mẫu giám sát môi trường theo kế hoạch đối với các cơ sở phát sinh chất thải lớn, các cơ sở là điểm nóng về ô nhiễm môi trường.

Tỉnh Hưng Yên yêu cầu chủ các dự án khu xử lý chất thải tập trung có giải pháp nâng cao năng lực hiệu quả đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý rác thải sinh hoạt theo khối lượng, công suất thực tế; đẩy nhanh tiến độ đầu tư khu xử lý chất thải tại huyện Khoái Châu, huyện Phù Cừ, nâng cấp lò đốt Dị Sử (thị xã Mỹ Hào); khuyến khích kêu gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án xử lý chất thải có công nghệ tiên tiến xử lý đốt tận thu nhiệt, thu hồi năng lượng.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục triển khai, nhân rộng phân loại rác thải tại nguồn; phân loại rác thải kết hợp xứ lý rác thải hữu cơ làm phân vi sinh tại hộ gia đình, tập trung vào việc đào hố xử lý rác. Các huyện, thị xã, thành phố triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn, làm cơ sở tính giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải theo khối lượng rác thải đã phân loại; tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác, từ chối thu gom rác chưa phân loại. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại làng nghề tái chế chì thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm; làng nghề tái chế nhựa Minh Khai tại thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam cho biết, thực hiện Nghị quyết số 08, các địa phương trong tỉnh đã triển khai hiệu quả mô hình phân loại, xử lý chất thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình sử dụng vi sinh bản địa (IMO); tỷ lệ xử lý chất thải ở nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt 81%, ở khu vực đô thị đạt 87%; 100% chất thải nguy hại được xử lý an toàn theo quy định; 86% số khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn; 100% dự án đầu tư đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường…

Bên cạnh những mặt tích cực, việc thực hiện Nghị quyết số 08 cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình trạng đổ, đốt rác gây ô nhiễm chưa được ngăn chặn triệt để; việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình chưa đạt so với yêu cầu; đầu tư lò đốt rác thải còn chậm. Hiện trên địa bàn tỉnh còn 2 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để; tình trạng ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã được cải thiện nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Ngoài ra, thị xã Mỹ Hào và các đô thi loại V chưa có công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung đảm bảo yêu cầu.../.

Quang Nhiều

Tin liên quan

Xem thêm