Chỉ đạo, Điều hành

Hưng Yên đứng thứ 7 cả nước về tăng trưởng kinh tế

Hưng Yên

Năm 2024, tỉnh Hưng Yên phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt từ 7,5 - 8%; giá trị sản xuất nông nghiệp, thủ sản tăng 2%; công nghiệp xây dựng tăng từ 8,5 - 8,7%; thương mại dịch vụ tăng 9%.

Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)

TTXVN - Năm 2023, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hưng Yên đạt 10,05% vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch đề ra là 9%), đưa tỉnh xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây thông tin được Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa đưa ra tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX lần thứ 26, tổ chức ngày 30/11.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh, năm 2024 là năm bản lề, bứt phá, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh, song dự báo bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, mục tiêu và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024 rất nặng nề.

Bí thư Tỉnh ủy kêu gọi toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân tỉnh tiếp tục đoàn kết, thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tối đa mọi tiềm năng, lợi thế, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm hoàn thành, hoàn thành vượt mức mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, tạo nền tảng vững chắc để hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Năm 2024, tỉnh Hưng Yên phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt từ 7,5 - 8%; giá trị sản xuất nông nghiệp, thủ sản tăng 2%; công nghiệp xây dựng tăng từ 8,5 - 8,7%; thương mại dịch vụ tăng 9%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 121 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 7 tỷ USD; tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 70.000 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước đạt 32.823 tỷ đồng; phấn đấu có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; một huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao để phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 1 huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu…

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Hưng Yên khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ về duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, cụ thể hóa, triển khai thực hiện có chất lượng quy hoạch tỉnh thông qua việc rà soát, xây dựng, cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch ngành, địa phương có liên quan đến quy hoạch tỉnh. Tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); ưu tiên thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia các dự án dầu tư lớn, ứng dụng công nghệ cao, an toàn môi trường; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm tỉnh, tạo bước đột phá trong phát triển giao thông, các khu công nghiệp cụm công nghiệp.

Năm 2024, tỉnh Hưng Yên phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% diện tích đất các khu công nghiệp đã được cấp chủ trương đầu tư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với hầu hết diện tích được giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư khu công nghiệp. Tỉnh phấn đấu trên 20 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập thực hiện giải phóng mặt bằng với diện tích thêm 300 -500 ha, thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên 200 ha.

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hữu Nghĩa và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)

Hưng Yên khẩn trương phê duyệt kế hoạch sử dụng đất tỉnh thời kỳ 2021-2025, rà soát và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và năm 2024 của cấp huyện; tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch; ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về đất đai, nhất là sử dụng lãng phí, sai mục đích, không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lấn chiếm đất công.

Tỉnh đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ sinh thái; tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và công tác thanh, kiểm tra, giám sát, trong đó tập trung vào các lĩnh vực, ngành, địa bàn, đối tượng tiềm ẩn xảy ra vi phạm phát luật như quản lý đất đai, đầu tư, tài nguyên, xây dựng…

Năm 2023, cơ cấu kinh tế Hưng Yên tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,35%; giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 7,49%; giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 14,25%; GRDP bình quân đầu người đạt 112,3 triệu đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ ước gần gấp đôi so với kế hoạch, đạt 93.957 tỷ đồng, tăng 49,4% so với cùng kỳ năm 2022. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 33.100 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa 29.500 tỷ đồng, thu thuế xuất, nhập khẩu 3.600 tỷ đồng…

Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông, hạ tầng công nghiệp, đô thị trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ với nhiều công trình, dự án quy mô lớn, mang tính động lực; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và kỷ cương, pháp luật được tăng cường; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển ổn định. Công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đạt được kết quả tích cực; an sinh xã hội bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần người dân, phúc lợi xã hội tiếp tục được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh (chỉ còn dưới 0,9%); ô nhiễm môi trường từng bước được xử lý; quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội địa phương được giữ vững./.

Quang Nhiều

Tin liên quan

Xem thêm