Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp vào cuộc, chủ động làm việc và kêu gọi các doanh nghiệp, cũng như đón các đoàn nước ngoài về xúc tiến đầu tư tại Hưng Yên. Tỉnh luôn đồng hành, tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
TTXVN - Những ngày đầu Xuân Giáp Thìn 2024, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân Hưng Yên hân hoan chào đón mùa xuân mới với niềm tin và sự kỳ vọng vào một năm mới bứt phá, hướng tới hiện thực hóa khát vọng đưa tỉnh phát triển hưng thịnh, yên bình. Nhìn lại năm qua, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được kết quả tích cực, đánh dấu bước phát triển mới.
*Điểm sáng về tăng trưởng kinh tế
Là tỉnh nhỏ thứ 3 về diện tích, song năm 2023 là năm thứ hai Hưng Yên là 1 trong 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thu ngân sách nhà nước lớn nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất. Đáng chú ý, xếp hạng quy mô kinh tế (GRDP) của tỉnh Hưng Yên vươn lên vị trí thứ 16/63, vượt qua cả một số thành phố trực thuộc Trung ương. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 10,05% vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch đề ra là 9%), là tỉnh có mức tăng trưởng cao thứ 4/11 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và cao thứ 7/63 tỉnh thành, thành phố trên cả nước.
Cơ cấu kinh tế Hưng Yên tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,35% (kế hoạch là 9,5%); giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 7,49%; giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 14,25% (kế hoạch là 99%); GRDP bình quân đầu người là 112,3 triệu đồng (kế hoạch 112 triệu đồng). Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 33.100 tỷ đồng, đạt 144% so với dự toán giao; trong đó, thu nội địa 29.500 tỷ đồng, thu thuế xuất, nhập khẩu 3.600 tỷ đồng…Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đạt được kết quả tích cực, có thêm 25 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 15 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt nông thôn mới nâng cao lên 108 xã, số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu lên 34 xã (tỉ lệ xã đạt nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu lần lượt trên 77,7% và 24,5%).
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn chia sẻ, điểm nổi bật trong năm 2023 của Hưng Yên là đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại nước ngoài. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp vào cuộc, chủ động làm việc và kêu gọi các doanh nghiệp, đón các đoàn nước ngoài về xúc tiến đầu tư tại Hưng Yên. Tỉnh luôn đồng hành, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình phát triển.
Theo ông Trần Quốc Văn, những năm qua, hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông, hạ tầng công nghiệp, đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ với nhiều công trình, dự án quy mô lớn, mang tính động lực, tạo sức lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như: Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án mở rộng, nâng cấp đường nối 2 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan… Đây là động lực để Hưng Yên vững tin hoàn thành các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh khẳng định mô thức tăng trưởng mới bước đầu đi vào ổn định và phát huy hiệu quả; năng lực tự cường, sức chống chịu của nền kinh tế tỉnh được củng cố và nâng lên rõ rệt. Trong đó, vai trò kiến tạo của chính quyền với trọng tâm là liên tục cải thiện thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường vai trò dẫn dắt của đầu tư công (giai đoạn đầu); tạo lập hệ sinh thái phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao với chính sách thu hút đầu tư mới có chọn lọc, coi trọng quy mô, trình độ công nghệ hiện đại. Cùng với đó, tỉnh chú trọng đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, hình thành các khu đô thị lớn, thông minh, sinh thái gắn với phát triển thương mại, dịch vụ hiện đại; củng cố vai trò trụ đỡ ổn định kinh tế và sinh kế, an sinh xã hội của ngành nông nghiệp...
*Hiện thực hóa khát vọng phát triển
Hưng Yên xác định năm 2024 là năm bản lề, bứt phá, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh. Do đó, tỉnh đặt mục phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt từ 7,5 - 8%; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 121 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 7 tỷ USD; tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 70.000 tỷ đồng. Tỉnh phấn đấu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; một huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao để đến năm 2025 có ít nhất một huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu…
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa nêu rõ, để đạt mục tiêu đề ra, trong năm 2024, Hưng Yên tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); ưu tiên thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia các dự án đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ cao, an toàn môi trường; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm tỉnh, tạo bước đột phá trong phát triển giao thông, các khu công nghiệp cụm công nghiệp.
Năm 2024, tỉnh Hưng Yên phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% diện tích đất các khu công nghiệp đã được cấp chủ trương đầu tư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với hầu hết diện tích được giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư khu công nghiệp. Tỉnh phấn đấu trên 20 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập thực hiện giải phóng mặt bằng với diện tích thêm 300 -500 ha, thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên 200 ha. Cùng với đó, tỉnh khẩn trương phê duyệt kế hoạch sử dụng đất tỉnh thời kỳ 2021-2025, rà soát và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và năm 2024 của cấp huyện; tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch; ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về đất đai, nhất là sử dụng lãng phí, sai mục đích, không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lấn chiếm đất công.
Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ sinh thái; tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và công tác thanh, kiểm tra, giám sát, trong đó tập trung vào các lĩnh vực, ngành, địa bàn, đối tượng tiềm ẩn xảy ra vi phạm phát luật như quản lý đất đai, đầu tư, tài nguyên, xây dựng…
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, bên cạnh phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; chú trọng thực hiện tốt công tác xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, chú trọng thực hiện công tác dân vận, tuyên truyền, vận động quần chúng của Đảng; đoàn kết tập hợp đoàn viên, hội viên và nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Với những giải pháp, kế hoạch cụ thể, Hưng Yên đang từng bước chuyển mình vươn lên, phát triển nhanh, bền vững, từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển - Hưng Yên giàu đẹp, hiện đại, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc./.