Huyện Bắc Sơn quan tâm phát huy vai trò của cộng đồng địa phương phát triển du lịch, coi đây là nhân tố đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững.
TTXVN - Bắc Sơn (Lạng Sơn) là huyện có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, bao gồm hệ thống 29 khu, điểm di tích lịch sử cách mạng, danh lam, thắng cảnh độc đáo, cùng các giá trị văn hóa bản địa của dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông (với di sản then, sli, lượn, múa chầu, múa sư tử…). Đặc biệt, huyện có lễ hội Ná Nhèm (xã Trấn Yên) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Phát huy những lợi thế này, huyện Bắc Sơn đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch, thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, từng bước đưa “ngành công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch
Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn Dương Thị Thép cho biết: UBND đã ban hành Đề án phát triển du lịch huyện giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến 2025. Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, huyện Bắc Sơn đã chủ động xây dựng, ban hành các kế hoạch, chương trình, đề án; chú trọng xây dựng hạ tầng giao thông, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư…; phát triển hạ tầng du lịch phù hợp với quy hoạch và điều kiện kinh tế – xã hội của huyện; đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng sự phát triển của ngành du lịch. Cùng đó, huyện quan tâm phát huy vai trò của cộng đồng địa phương phát triển du lịch, đây là nhân tố đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững. Đi đôi với đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, huyện chú trọng việc duy trì các lễ hội truyền thống và tổ chức các hoạt động văn hóa đặc sắc.
Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch được huyện quan tâm đầu tư đúng mức. Từ năm 2018 đến nay, đã có trên 20 lượt di tích trên địa bàn huyện được đầu tư, tôn tạo và nhiều tuyến đường vào các điểm du lịch được huyện đầu tư, nâng cấp với tổng kinh phí từ nguồn ngân sách và xã hội hóa là trên 30 tỷ đồng. Đặc biệt, huyện triển khai hỗ trợ các gia đình hoàn thiện cơ sở vật chất và nhân rộng các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn với tổng nguồn vốn 400 triệu đồng.
Ngoài chú trọng cơ sở hạ tầng du lịch, công tác tuyên truyền, phát triển nguồn nhân lực cũng được UBND huyện đặc biệt quan tâm. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng các biển chỉ dẫn du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn; phối hợp tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ năng du lịch cho trên 300 cán bộ, người dân làm du lịch và tổ chức 2 cuộc tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cho các hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú xã Bắc Quỳnh, Vũ Lăng, Chiến Thắng.
UBND huyện Bắc Sơn đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo và các đoàn khảo sát nhằm kết nối du lịch của huyện với địa phương khác trong khu vực. Qua đó, một số tuyến du lịch đã hình thành như: Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Sơn; Bắc Sơn - Bình Gia - thành Phố Lạng Sơn; Bắc Sơn - Hữu Liên…
Đưa Bắc Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn
Huyện đã chỉ đạo tập trung lập quy hoạch chi tiết cho các khu, điểm du lịch thuộc hai xã Bắc Quỳnh và Chiến Thắng thành những khu du lịch trọng điểm của huyện; xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên khai thác tối ưu giá trị về di sản văn hóa, kiến trúc và tập quán, bản sắc văn hóa của cộng đồng trên cơ sở gắn chặt chẽ với bảo tồn để thu hút khách du lịch.
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Sơn Đỗ Thanh Loan chia sẻ: Xác định di sản văn hóa là thế mạnh trong phát triển du lịch, từ năm 2017 đến nay, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền tới nhân dân về nội dung liên quan đến bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, phòng đã tham mưu UBND huyện xây dựng, triển khai Kế hoạch số 03 ngày 5/1/2021 về “Triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Bắc Sơn 2021 – 2025”.
Theo ông Dương Doãn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Quỳnh, thực hiện chủ trương phát triển du lịch của tỉnh, huyện, thời gian qua, xã thực hiện nhiều giải pháp như: tích cực tuyên truyền, đưa người dân trên địa bàn tham gia các lớp tập huấn; thành lập hai đội văn nghệ hát then với khoảng 30 thành viên phục vụ du khách; phối hợp phục dựng các di sản văn hóa truyền thống đưa vào phục vụ du khách; đồng thời mở đường liên kết các địa điểm tham quan của xã… Nhờ đó, từ 5 gia đình thực hiện mô hình du lịch cộng đồng, đến nay, xã đã có 9 hộ đủ điều kiện và tiêu chuẩn để đón khách du lịch tham quan, lưu trú tạo thêm thu nhập bình quân 60 đến 100 triệu đồng/hộ/năm.
Cùng với xã Bắc Quỳnh, cấp ủy, chính quyền, người dân xã Chiến Thắng cũng đã và đang tập trung xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới. Ngoài hình thành điểm du lịch sinh thái vườn quýt Hang Hú và điểm du lịch suối Mỏ Mắm, từ năm 2021, xã đã tập trung triển khai xây dựng thêm sản phẩm du lịch cộng đồng ở thôn Hoan Trung. Từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm xã Chiến Thắng thu hút khoảng 10.000 lượt khách, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Anh Dương Thời Đều, chủ Homestay Đều Luyến, thôn Hoan Trung cho biết, anh đang sở hữu một homestay gia đình với đầy đủ tiện nghi và đáp ứng phục vụ được 20 khách nghỉ/ngày. Từ khi làm du lịch đến nay, anh được cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ trang thiết bị, tập huấn công tác phục vụ khách, tập huấn ngoại ngữ… Nhờ đó, chất lượng dịch vụ của homestay ngày càng được nâng cao, giúp thu hút khách du lịch, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Sản phẩm du lịch của Bắc Sơn ngày càng được hoàn thiện, đi vào chiều sâu với đa dạng các loại hình như: du lịch về nguồn; du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp… Tiêu biểu có thể kể đến các sản phẩm du lịch mới bước đầu tạo dấu ấn với du khách như: mô hình du lịch vườn đào xã Vũ Lễ, mô hình vườn quýt, trồng hoa xã Chiến Thắng; mô hình trải nghiệm vườn bưởi, dâu tây xã Đồng Ý; mô hình du lịch cộng đồng xã Vũ Lăng…
Đáng chú ý, huyện chú trọng xây dựng, tạo dấu ấn cho du lịch thông qua việc xây dựng và tổ chức các sự kiện quảng bá như: tổ chức lễ hội Ná Nhèm xã Trấn Yên; lễ hội xuân Yên Lãng (thị trấn Bắc Sơn); Ngày hội “Quýt vàng Bắc Sơn” và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, văn hóa, du lịch huyện. Đặc biệt, năm 2022, lần đầu tiên UBND huyện tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch với nhiều hoạt động phong phú, tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách… Tiếp nối thành công đó, trong hai ngày 28 – 29/10/2023, UBND huyện tiếp tục tổ chức lễ hội Mùa vàng Bắc Sơn với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, độc đáo như: thi gặt lúa bằng công cụ thô sơ, chèo bè tre ngắm thung lũng vàng; không gian văn hóa Bắc Sơn được tái hiện thông qua phiên chợ xưa và các hoạt động trải nghiệm làm bánh chưng đen, làm ngói âm dương…
Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, tổng lượng khách du lịch đến huyện Bắc Sơn đạt trên 125.000 lượt, (tăng trên 35% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó, khách quốc tế đạt 524 lượt; doanh thu ước đạt trên 69 tỷ đồng (tăng 35% so với cùng kỳ), tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương. Nhờ đó đến nay, kinh tế – xã hội của huyện ngày càng phát triển. Đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện Bắc Sơn đạt gần 60 triệu đồng/người/năm, tăng 16 triệu đồng so với thời điểm năm cuối năm 2020; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện Bắc Sơn là 9,5%, tăng 0,42% so thời điểm năm 2020. Hiện toàn huyện đã có 9 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch của tỉnh (tăng 4 điểm du lịch so với năm 2017).
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong những năm tới, Bắc Sơn sẽ tập trung huy động nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội dựa trên 3 trụ cột chính là nông nghiệp chất lượng cao, du lịch và dịch vụ./.