Lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
TTXVN - Ngày 18/11, tại xã miền núi Ngân Thủy, Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch”.
Hội thảo góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội, xây dựng sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Phát biểu đề dẫn, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình Nguyễn Thị Bích Thủy giới thiệu về đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều và tín ngưỡng văn hóa. Xưa kia hầu như toàn bộ cuộc sống của đồng bào ràng buộc với thần linh; tất cả mọi vật, hiện tượng tự nhiên, cuộc sống đều có thể trở thành thiêng và thờ cúng được. Trong đó, phổ biến là thần lúa, thần núi, thần sông, thần đất, thần cây...Người Bru-Vân Kiều rất coi trọng các lễ cúng mùa vụ, tín ngưỡng nông nghiệp của họ còn mang dấu vết của tô tem giáo. Trong đó, thần lúa là quan trọng nhất, nên đồng bào luôn bảo lưu các lễ hội liên quan như lễ trỉa hạt, lễ mừng cơm mới…Lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tại hội thảo, các đại biểu tâp trung trao đổi, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Trong đó có việc xây dựng, thực hiện chính sách để huy động nguồn lực; động viên, tôn vinh nghệ nhân và chủ thể đang bảo tồn, thực hành lễ hội; xác định, đề cao, phát huy vai trò cộng đồng; nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý, điều hành và tổ chức lễ hội…
Các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận và làm rõ hơn giá trị thực tiễn trong bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội để khai thác, xây dựng sản phẩm phát triển du lịch, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương. Các đại biểu cũng tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nguồn gốc, nội dung và các giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của lễ hội; đồng thời, phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ di sản, xử lý các vi phạm...
Đáng chú ý là các tham luận: “Phát triển du lịch tự nhiên kết hợp với các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều trên địa bàn xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy” của ông Trần Xuân Cương, Giám đốc công ty TNHH Netin; “Công tác bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội mừng cơm mới của người Bru - Vân Kiều, xã Ngân Thủy gắn phát triển gắn với phát triển du lịch” của ông Phan Công Khánh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình. Bên cạnh đó là các tham luận “Những giá trị văn hóa nổi bật của Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều, xã Ngân Thủy”; “Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru - Vân Kiều xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch”…
Lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy đã có kết quả trong công tác phục dựng, bảo tồn nhưng việc phát huy giá trị trong đời sống còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế để trở thành nguồn lực, sản phẩm du lịch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, nguồn lực của địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ chuyên môn về bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội còn thiếu kinh nghiệm. Công tác tuyên truyền, quảng bá về lễ hội gắn với hoạt động du lịch chưa chặt chẽ.../.
- Từ khóa:
- đồng bào Bru-Vân Kiều
- Quảng Bình
- du lịch
- văn hóa